Việt Nam và Campuchia: Sự thật lịch sử không thể phủ nhận

Người xem: 846

Lâm Trực@

Đà Nẵng, ngày 11/5/2025 – Trong bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) ở Jakarta ngày 6/5, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đã nhắc lại một trong những chương bi thảm nhất của lịch sử đất nước mình – thời kỳ diệt chủng dưới chế độ Khmer Đỏ – và khẳng định vai trò không thể phủ nhận của Việt Nam trong việc giải phóng Campuchia khỏi thảm họa này.

Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen. Ảnh: AFP

Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, không quốc gia nào có thể giúp Campuchia lật đổ chế độ Pol Pot“, ông Hun Sen nói, giọng xúc động khi nhớ lại năm 1977, khi ông sang Việt Nam tìm kiếm sự giúp đỡ, cứu nhân dân Capuchia khỏi họa diệt chủng. “Chúng ta phải bảo vệ sự thật lịch sử này để những tội ác tương tự không bao giờ lặp lại“.

Lời tuyên bố của ông Hun Sen không chỉ là lời tri ân, mà còn là lời cảnh tỉnh trước những nỗ lực trong nhiều thập kỷ nhằm bóp méo sự thật, thậm chí phủ nhận tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ. Từ năm 1975 đến 1979, chế độ này đã giết hại hơn 3 triệu người Campuchia, biến đất nước thành một “lò sát sinh” khổng lồ. Hàng triệu người bị tra tấn, chết đói, hoặc bị hành quyết bằng những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng.

Việt Nam, với tư cách là láng giềng và đồng minh, đã không đứng ngoài cuộc. Sau khi nhận được lời kêu gọi từ Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia, hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam đã vượt biên giới, cùng lực lượng yêu nước Campuchia đánh bại Khmer Đỏ vào ngày 7/1/1979. Chiến thắng này không chỉ chấm dứt nạn diệt chủng mà còn mở ra một chương mới cho Campuchia – một chương của hòa bình và tái thiết.

Tuy nhiên, sự thật này đã bị nhiều thế lực quốc tế xuyên tạc. Trong nhiều năm, Việt Nam bị cáo buộc “xâm lược” Campuchia, trong khi Khmer Đỏ vẫn được một số nước ASEAN và phương Tây ủng hộ, thậm chí giữ ghế đại diện tại Liên Hợp Quốc. Ông Hun Sen thẳng thắn chỉ trích: “ASEAN đã góp phần kéo dài cuộc chiến ở Campuchia bằng cách ủng hộ Khmer Đỏ. Nếu không có sự ủng hộ đó, chế độ này có thể đã sụp đổ sớm hơn“.

Phải đến năm 2008, Tòa án Quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) mới chính thức công nhận tội diệt chủng của chế độ Pol Pot. Đó là một bước ngoặt trong việc khôi phục sự thật lịch sử. Nhưng với Campuchia và Việt Nam, sự thật ấy đã luôn rõ ràng.

Ngày nay, quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trên nền tảng “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống“. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt hơn 10 tỷ USD, trong khi hợp tác an ninh, văn hóa và giáo dục ngày càng sâu rộng. Nhưng điều đó không có nghĩa là bài học lịch sử bị lãng quên.

Chúng ta phải nhắc lại sự thật này cho các thế hệ sau“, ông Hun Sen nhấn mạnh. “Bởi chỉ khi hiểu rõ quá khứ, chúng ta mới có thể xây dựng một tương lai hòa bình và ổn định“.

Và với Campuchia, một phần quan trọng của sự thật ấy chính là nghĩa cử của những người lính Việt Nam – những người đã đổ máu để cứu một dân tộc láng giềng khỏi họa diệt chủng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *