Những ký ức bị gãy trong những khối bê tông già nua

Người xem: 1107

Lâm Trực@

Một ngày đầu hạ, tôi đứng giữa khu tập thể Kim Liên, cảm tưởng như mình đang dẫm lên những mảnh vỡ ký ức của một thời Hà Nội từng sống bằng tem phiếu và tiếng rao leng keng. Những khối nhà thấp tè, vàng úa, in dấu thời gian lên từng viên gạch, bậc thang, khe tường rạn nứt. Thứ mùi ngai ngái của nấm mốc, xen lẫn hơi người, ám vào không gian như một thứ hoài niệm dai dẳng. Ở đó, không chỉ có sự mục nát của vật chất, mà còn là sự rệu rã của cả một cấu trúc xã hội cũ kỹ đang chờ được vực dậy – hoặc thay thế.

Khu chung cư cũ E4 Thành Công, quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải

Chuyện cải tạo chung cư cũ không còn là câu chuyện kỹ thuật với bản vẽ, máy xúc và hồ sơ quy hoạch. Nó là chuyện của con người – cụ thể hơn – chuyện của ký ức, của cộng đồng, và cả nỗi sợ hãi lẫn mất mát không thể định giá bằng tiền.

Những căn nhà như chiếc “hộp diêm” cũ kỹ ấy đã từng là biểu tượng cho một thời bình dị. Nhưng qua năm tháng, thứ biểu tượng ấy đã trượt dài từ di sản sang gánh nặng. Có ai từng hình dung, một mái trần thủng nước cũng có thể là tử thần rình rập từng bữa cơm gia đình? Có ai ngờ, hành lang tối om, nơi bọn trẻ từng chơi rượt đuổi, giờ thành mối nguy hiểm với người già chống gậy mỗi chiều?

Chị Hồng ở dãy nhà A1 Kim Liên chỉ lên trần nhà được chắp vá bằng tấm nhựa mỏng manh: “May mà bữa đó mảng xi măng rơi trúng bàn ăn không có ai.” Câu nói nhẹ như không, nhưng nghe mà gai sống lưng. Không phải vì nỗi sợ vật lý, mà vì sự quen thuộc đến vô cảm trước nguy hiểm đã ăn sâu vào nếp sống.

Cũng như bà Mai, 68 tuổi, đau khớp phải leo bộ bốn tầng mỗi ngày, từng bậc cầu thang là từng nhịp run rẩy. “Có hôm trượt chân, tưởng như không bao giờ dậy nổi,” bà nói. Nhưng điều khiến người ta nao lòng không phải là bậc thang gãy, mà là ánh mắt bà nhìn lên trần – cái nhìn thảng thốt như đang ngóng một ngày sập đổ mà chẳng biết mình có kịp chạy hay không.

Nhưng đau hơn cả là cảm giác bị lãng quên. Ở thành phố đang vươn mình hiện đại với cao ốc, trung tâm thương mại, người ta dễ dàng quên đi những cư dân từng góp bàn tay dựng nên đô thị này. Những khu tập thể cũ – nơi từng là niềm tự hào, nơi cán bộ trí thức chen chúc nhau trong căn hộ 24m² – giờ trở thành vùng tối của bản đồ phát triển. Những mảng trần nứt, những “chuồng cọp” chênh vênh, những dây điện quấn tạm… không chỉ phản ánh sự xuống cấp hạ tầng, mà còn là biểu hiện của sự xuống cấp trong cách chúng ta đối đãi với ký ức đô thị và cộng đồng đã sinh ra trong nó.

Giờ đây, việc cải tạo là điều tất yếu. Ai cũng hiểu – kể cả những cư dân già nhất, như ông Nguyễn Văn Thay, người đã sống ở khu Ngọc Khánh hơn nửa thế kỷ. Ông nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Tôi không sợ chuyển nhà, tôi chỉ sợ sống ở nơi không còn cảm giác thuộc về.

Câu nói như một lát cắt vào trái tim những nhà hoạch định. Rõ ràng, xây lại nhà thì dễ, nhưng tái thiết một cộng đồng sống động, chan chứa tình làng nghĩa xóm – lại là bài toán chưa ai có lời giải.

Nhiều quận tại Hà Nội đã bắt tay vào lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho việc cải tạo các khu tập thể. Những con số, sơ đồ và văn bản được đưa ra đều đúng quy trình, bài bản. Nhưng người dân thì không sống bằng quy trình. Họ sống bằng ký ức, bằng ánh mắt người hàng xóm, bằng cái ngõ nhỏ gắn liền tuổi thơ con cháu. Khi cải tạo mà cắt lìa những sợi dây vô hình ấy, thì căn hộ mới, dù hiện đại, vẫn lạnh lẽo như phòng khách sạn.

Bà Nguyễn Thị Huệ ở dãy B3 Kim Liên đã nói thay nỗi niềm của nhiều người: “Đừng để nhà mới mà lòng người lạc lõng.”

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho biết chính quyền đang nỗ lực lắng nghe, tiếp thu ý kiến dân cư trong quá trình lập quy hoạch. Nhưng điều người dân cần không chỉ là “lắng nghe” như một nghi thức hành chính, mà là sự thấu cảm thật sự. Một đồ án kiến trúc không thể chỉ dựa trên thước đo chiều cao và mật độ, mà phải bắt nhịp được đời sống cộng đồng – nơi người già vẫn gọi nhau là “bác”, trẻ con vẫn rủ nhau chơi banh ở sân chung, và bữa cỗ cưới vẫn diễn ra ngay dưới chân cầu thang.

Cải tạo chung cư cũ, nếu không đi kèm tái thiết tinh thần cộng đồng, thì sẽ chỉ là việc dời dân ra khỏi nơi gắn bó để đưa họ vào một cỗ máy nhà ở mới – tiện nghi mà cô đơn.

Bê tông có thể thay, mái nhà có thể lợp mới. Nhưng nếu gãy cả ký ức, nếu đứt cả tình người, thì liệu những căn hộ sau cải tạo có còn là “nhà”?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *