Khi cái đầu đóng kín, mọi ngôn ngữ đều thành tội lỗi

Người xem: 896

Lâm Trực@

Đà Nẵng, ngày 15/5/2025 – Ở nơi mà một lời đề xuất khoa học cũng có thể thổi bùng lên cơn cuồng nộ như lũ quét, thì người dám nghĩ khác – dù chỉ khác nửa âm tiết – cũng đã là kẻ phạm tội. Không tội hình sự. Mà tội… phản cảm. Tội… lạc giọng giữa một bản đồng ca toàn những nốt giả thanh, gào gẫm và hí hửng trong sự dốt nát tự hào.

Ông giáo già ấy – một người suốt hai mươi năm gò lưng giữa bụi sách và cô đơn, gọt từng con chữ với ước vọng đổi thay – có thể sai. Nhưng thứ ông làm là lao động tri thức, không phải buôn bán lừa đảo hay bày trò giải trí cho thiên hạ ném đá giải sầu.

Vậy mà chỉ sau một bài báo tít giật, một đám đông bỗng gào lên như vừa phát hiện một tội ác tày đình. Những bàn phím tung hê từng cú đánh như roi, vả vào mặt một người già chỉ vì ông dám đặt câu hỏi: “Chữ Việt hiện nay đã tối ưu chưa?

Họ không đọc. Họ không hiểu. Họ chỉ thấy lạ. Mà lạ thì phải chửi. Họ quen với thói quen như cái chăn cũ kỹ, rách nhưng không ai dám vứt vì sợ đêm lạnh.

Họ nguyền rủa ông. Họ nhạo báng học hàm ông. Họ xúc phạm cả tư cách học thuật – như thể tri thức là món hàng bán ngoài chợ, ai thích thì mua, ai ghét thì ném xuống đất giẫm lên.

Tôi không bênh ông. Tôi cũng không vỗ tay cho thứ chữ cải tiến kia – dù tiết kiệm giấy, dù dễ học hơn – vì cái mới nào chẳng có gai? Nhưng tôi bênh cái quyền được đặt vấn đề. Tôi bênh cái nỗ lực dũng cảm của một kẻ cô độc, dám thắp lên que diêm sáng trong căn phòng ẩm mốc đầy định kiến.

Cái đám đông này – vốn quen cúi đầu – luôn giật mình khi có ai ngẩng lên. Nó sẽ lập tức trừng phạt người dám mở lời, vì chính sự im lặng đã trở thành một tôn giáo. Bất kỳ ai nói khác, dù chỉ một dấu hỏi, đều bị đuổi ra khỏi đền thờ của đám đông.

Chúng ta, cái đám người đang hí hửng vì “vạch mặt một PGS”, có tự hỏi xem mình đã phản biện được điều gì không? Hay chỉ đơn giản là trút lên ông ta cơn giận dữ dồn nén từ bao thất vọng, bao bất lực trong đời sống giả mạo này?

Có thể ông sai. Và khoa học cho phép sai. Nhưng nếu không có người đặt câu hỏi, không có người vấp ngã, không có người bị ném đá – thì đám đông sẽ mãi mãi sống trong sự trì trệ của chính nó.

Chửi một người không khiến ta khôn ngoan hơn. Nhưng biết lắng nghe một người – dù khác mình – là hành động của một xã hội trưởng thành.

Đáng sợ không phải là chữ viết lạ. Đáng sợ là một đám đông mà cái đầu đã khóa kín bằng bê tông, còn cái miệng thì mở hết cỡ để ném đá.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *