Lâm Trực@
Người ta nói về hoa hậu như nói về một loài chim quý giữa rừng người – đẹp, cao sang, thanh sạch và tỏa hào quang. Nhưng hào quang, như sương sớm trên mặt hồ, đẹp nhưng dễ tan. Nguyễn Thúc Thùy Tiên – cô hoa hậu từng khiến bao người mến mộ bởi vẻ đẹp tri thức, hành động, giờ đây ngồi đối diện với cơ quan điều tra, khai nhận từng lời, từng dòng, như bóc từng lớp son phấn khỏi khuôn mặt hoa hậu, trả lại hình hài thật của một người phạm lỗi.
Người đời vốn đa cảm. Thấy một cô gái nhỏ, tự lập từ thuở thiếu thời, vượt qua nghịch cảnh, đăng quang quốc tế, ai mà không cảm mến? Cô nói tiếng Anh trôi chảy, làm thiện nguyện khắp nơi, cười tỏa nắng. Nhưng chính cái vẻ tỏa nắng ấy lại che khuất một sự thật: người nổi tiếng cũng có thể sai, mà khi đã sai thì chẳng ai cứu được ngoài chính mình – nếu còn đủ bản lĩnh để nhìn vào đáy vực.
Từ một “hiện tượng quốc dân“, từ người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về hình mẫu phụ nữ độc lập, Thùy Tiên giờ bị khởi tố, bị bắt tạm giam vì hành vi “lừa dối khách hàng”. Thật trớ trêu. Kẹo rau củ Kera – một sản phẩm nghe có vẻ vô hại – lại là chất men đưa cô vào vòng lao lý. Người ta nói cô “góp vốn 30%”, “đứng tên đại diện hình ảnh”, “livestream cùng Quang Linh, Hằng Du Mục”, nói rằng đây là “đứa con tinh thần của mình”. Nhưng thực tế, thứ “con tinh thần” ấy được nhào nặn bằng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, chứa chất xơ ít đến mức không thể gọi là bổ sung gì cho ai. Đứa con ấy giờ hóa thành tang chứng vật chứng, nằm trong hồ sơ điều tra.
Cái sai không chỉ ở sản phẩm, mà ở niềm tin đã trao nhầm chỗ – cả từ người mua lẫn từ chính cô hoa hậu. Trong một buổi thẩm vấn, cô từng thừa nhận: “Khi mình là người nổi tiếng, trách nhiệm của mình rất lớn. Mọi người sẽ vì mình mà mua sản phẩm rất nhiều”. Lời nói ấy, nếu không phải để lấy tình cảm công chúng, thì cũng là một cú đấm tự vả vào danh tiếng. Cô biết điều đó, nhưng vẫn đi đến tận cùng của sai lầm – nhận về 7 tỉ đồng hoa hồng, rồi khi scandal nổ ra, lại định “hợp thức hóa hợp đồng quảng cáo” để phủi sạch vai trò cổ đông.
Trớ trêu thay. Người ta từng ví Thùy Tiên là biểu tượng của thế hệ “phụ nữ hành động”, nhưng giờ đây hành động ấy lại được ghi trong hồ sơ tố tụng. Không phải thiện nguyện, không phải phát biểu tiếng Anh trên sân khấu Thái Lan, mà là hành vi tiếp tay cho sản phẩm sai lệch, bán rao bằng hào quang cá nhân.
Những ai từng đứng cùng cô trên thảm đỏ, từng tung hô cô như biểu tượng của một thời đại, giờ im lặng như chưa từng quen biết. Showbiz – thế giới đầy phù hoa và mỏng manh – luôn sẵn sàng lật mặt, tẩy chay, đốt hương cũ, dựng tượng mới. Phim ảnh dừng quay. Nhãn hàng tháo biển. Fanpage im tiếng. Hào quang không tan như sương mà tan như khói – không vương lại chút ấm nào.
Đằng sau sự kiện này, là một bài học nhức nhối cho cả xã hội: Khi một cá nhân được xây dựng thành biểu tượng quá vội vã, người ta dễ quên rằng biểu tượng ấy cũng là người – mà con người thì dễ ngã trước cám dỗ của tiền bạc và ảo tưởng quyền lực mềm.
Cũng là lời cảnh tỉnh cho nghệ sĩ, những người sống bằng hình ảnh. Khi họ quên rằng hình ảnh không chỉ là gương mặt được photoshop, mà là uy tín được trả bằng máu, bằng sự thật, thì họ đã bước một chân vào vực thẳm. Làm ăn không phải là đóng phim – không có đạo diễn hô “cắt” rồi làm lại.
Thùy Tiên có thể không phải người duy nhất sai trong vụ án này. Nhưng cô là người mà công chúng từng đặt niềm tin lớn nhất. Và đó là điều khiến vụ việc trở nên đau lòng hơn cả. Không còn là một “cú trượt” nữa. Mà là sự sụp đổ của một biểu tượng. Và khi biểu tượng sụp đổ, đống đổ nát còn sót lại trong lòng người hâm mộ là điều khó có thể xây lại.
Người xưa có câu: “Người tài thường mệnh yểu“. Nhưng mệnh yểu ở đây không phải là cái chết thể xác, mà là cái chết của danh dự, của niềm tin. Thùy Tiên – nếu còn có một cơ hội làm lại – thì cần bắt đầu không phải bằng nước mắt hay xin lỗi, mà bằng sự chân thành đến tận cùng. Không phải để cứu lấy sự nghiệp, mà để trả lại cho xã hội một sự công bằng: rằng những gì ta truyền cảm hứng hôm qua, phải được gột rửa bằng trách nhiệm hôm nay.
Tin cùng chuyên mục:
Những đứa con được phương Tây rửa tội
Hà Nội cải cách từ gốc
Hà Nội thử nghiệm mô hình chính quyền hai cấp: Bước chuyển chiến lược hướng tới tinh gọn và hiệu quả
Ông Chủ tịch và những phiên chợ ảo: Hồi sinh từ phím bấm