Chủ quyền quốc gia và ý thức công dân

Người xem: 977

Hai hôm nay cộng đồng mạng truyền nhau hình ảnh, thể hiện sự hoan nghênh trước ứng xử của cơ thủ Trần Quyết Chiến khi tham gia một giải đấu billiard diễn ra tại Trung Quốc.

Sự việc xảy ra hôm 23-9, khi Trần Quyết Chiến được mời tham dự giải thi đấu giao hữu do Liên đoàn Billiard thế giới (UMB) phối hợp với Liên đoàn Billiards and Snooker Trung Quốc (CBSA) tổ chức tại Thượng Hải để quảng bá, phát triển nội dung carom 3 băng tại Trung Quốc. Trên sóng truyền hình trực tiếp, trận đấu này bị lồng ghép hình ảnh bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò. Khi sự việc xảy ra, vận động viên đã liên lạc với HLV trưởng đội tuyển billiard TPHCM Nguyễn Việt Hòa đang ở nhà để thông báo tình hình và sau đó anh đã trở về TPHCM ngay trong ngày 23-9, không tham gia giải đấu trên nữa.

Chủ tịch Liên đoàn Billiards thế giới Farouk Barki ngay sau đó có gửi thư mong muốn phía Việt Nam đưa ra một lý do tế nhị để giải thích với công chúng. Tuy nhiên, vận động viên Trần Quyết Chiến đã trả lời rằng: “Đây là sự xuyên tạc đến chủ quyền Việt Nam và không thể dùng lý do gì khác!”.

Chủ quyền Tổ quốc là một giá trị vô cùng thiêng liêng với mỗi công dân Việt Nam, và khi đụng đến giá trị ấy, trong tâm thức mỗi người Việt luôn hiểu điều đó đã được trả giá bằng máu của hàng triệu người ngã xuống qua hàng ngàn năm lịch sử.

Câu chuyện về ứng xử của cơ thủ Trần Quyết Chiến nhắc chúng ta nhớ lại câu chuyện của sứ thần Giang Văn Minh vào thế kỷ 17: Chuyện là khi vâng mệnh vua đi sứ, khi vua nhà Minh là Minh Tư Tông đọc câu đối có ý sĩ nhục sứ thần Đại Việt: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” với hàm ý nhắc việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong). Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”, nghĩa là “sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ”. Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã 3 lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.

Tức giận vì bẻ mặt, vua nhà Minh đã gạt bỏ thể diện, bất chấp luật lệ bang giao đã giết ông rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Khi thi hài của ông được đưa về đến kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông, truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công ban tặng câu: “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).

Nhắc lại chuyện xưa để hiểu và tin yêu hơn về ứng xử của những công dân Việt Nam trong thời gian qua khi đối diện với âm mưu cài cắm “đường lưỡi bò” của nước khác. Không chỉ có câu chuyện thời sự từ cơ thủ Trần Quyết Chiến, đúng 4 năm trước, tháng 11-2019, tại triển lãm Polyphony: Southeast Asia ở Bảo tàng Nghệ thuật thuộc Trường Đại học Nghệ thuật Nam Kinh, một triển lãm nghệ thuật đương đại quy mô lớn đầu tiên của các nghệ sĩ Đông Nam Á tại Trung Quốc, có sự tham gia của các nghệ sĩ tài năng đến từ các nước ASEAN cũng xảy ra tình huống tương tự. Trên poster của triển lãm, ban tổ chức đã minh họa khu vực Đông Nam Á được vẽ trên một bản đồ cách điệu có hình đường lưỡi bò 9 đoạn.

Ngay lập tức nghệ sĩ Trần Lương đã thông báo cho các nghệ sĩ chủ chốt ở các nước ASEAN tham gia triển lãm kêu gọi cùng tẩy chay triển lãm nếu ban tổ chức để poster có hình “đường lưỡi bò”. Lời kêu gọi của nghệ sĩ Trần Lương nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nghệ sĩ Đông Nam Á. Ngay sau đó, ban tổ chức đã cho thiết kế lại các poster, tài liệu khác để kịp khai mạc triển lãm này.

Trước đó nữa, cuối năm 2015, người đẹp Lan Khuê khi tham gia cuộc thi Miss World tại Trung Quốc đã bị xử ép khi đưa bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam vào clip phổ biến tại cuộc thi. Trả lời người hâm mộ về việc này, Lan Khuê đã nói rằng cô đã “không chút đắn đo” khi làm điều đó.

Những câu chuyện về sự vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc với hình ảnh “đường lưỡi bò” và ứng xử dứt khoát của những vận động viên, nghệ sĩ, người đẹp… Và với tầm ảnh hưởng rộng rãi của họ, điều đó không chỉ nhắc nhở ý thức chủ quyền với mỗi công dân Việt Nam, mà qua đó còn truyền thông cho thế giới thấy được âm mưu, tham vọng phi lý của những kẻ luôn muốn biến Biển Đông của Việt Nam thành “ao nhà” của mình!

Nguồn: An Du

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *