Vì sao người dân tái chiếm đất Khu công nghiệp Hố Nai

Người xem: 117

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ dân tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai tái lấn chiếm đất Khu công nghiệp (KCN) Hố Nai để mở đường đi, kinh doanh… là do việc cung cấp văn bản về quy hoạch KCN này chưa đến được với người dân một cách đầy đủ và địa phương chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm…

 
KCN Hố Nai được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập ngày 8/4/1998 với diện tích hơn 191 ha. Dự án do Công ty xây dựng và tư vấn đầu tư – Tổng Công ty Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư, thời gian hoạt động 50 năm. Ngày 23/5/1998, Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng diện tích KCN này trong giai đoạn 1 lên hơn 229,9 ha. Phần diện tích tăng thêm từ 191 ha lên 229 ha do cộng thêm 34 ha của tập đoàn Ching Fon thuê đất của tỉnh Đồng Nai và đã đầu tư hoạt động cùng 4,8 ha của 3 công ty khác. Sau đó ngày 28/9/2005, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh diện tích thuê đất của KCN Hố Nai trong giai đoạn 1 là 225,7 ha.
 

Người dân tự mở đường, dựng cổng chào và trụ điện trên đất xây dựng KCN Hố Nai.

Ngày 16/11/2005, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng giai đoạn II KCN Hố Nai và ngày 11/5/2006, Thủ tướng có quyết định cho phép đầu tư giai đoạn II đối với KCN này với quy mô diện tích là 271 ha. Trên cơ sở đó, ngày 22/8/2006 Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 đối với KCN Hố Nai trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Theo đó KCN Hố Nai nằm trên địa bàn huyện Trảng Bom và TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với diện tích lên đến hơn 496,6 ha do Công ty CP KCN Hố Nai thuộc Tổng công ty Cao su Việt Nam thuê để xây dựng và kinh doanh hạ tầng.
 
Mặc dù KCN Hố Nai đã được phê duyệt quy hoạch với quy mô diện tích lên đến gần 500 ha, nhưng thời gian qua nhiều hộ dân nằm trong diện phải giải tỏa thu hồi đất để thực hiện dự án vẫn không chịu di dời. Thậm chí một số hộ đã tái lấn chiếm đất KCN để mở đường đi vào khu dân cư, xây dựng trái phép và kinh doanh bãi vật liệu xây dựng…
 
Ông Nguyễn Công Định, Tổng giám đốc Công ty CP KCN Hố Nai cho biết, trong hơn một tháng trở lại đây, ít nhất 3 lần một số hộ dân cố tình lấn chiếm đất KCN với mục đích riêng. Khi công ty phát hiện, cử lực lượng bảo vệ của KCN ra ngăn cản, thì những người này cho rằng phần đất này là đất của các hộ dân chứ không phải đất của KCN, họ cố tình sản ủi và trồng trụ điện lắp bảng tên đường… Những lần phát hiện người dân lấn chiếm đất, đại diện Công ty CP KCN Hố Nai đều điện báo với Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn về sự việc và nhờ hỗ trợ lực lượng xuống giải quyết. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn đã đề nghị công ty có văn bản báo cáo UBND xã, huyện và ngành điện lực, còn trong ngày nghỉ cuối tuần chưa thể xử lý được.
 
Một số người dân địa phương cho rằng, phần đất của KCN Hố Nai chỉ có hơn 191 ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/4/1998. Lý do dẫn đến việc người dân liên quan khẳng định KCN này chỉ có diện tích như vậy là bởi chính quyền địa phương chưa làm tốt công tác thông tin về pháp lý, diện tích đất KCN. Theo biên bản làm việc về cung cấp văn bản liên quan cho các hộ dân trong phạm vi mở rộng KCN Hố Nai trong giai đoạn 2, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Trảng Bom chỉ cung cấp cho người dân được duy nhất văn bản ngày 6/8/1996 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là văn bản phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KCN và danh mục 33 KCN tại Đồng Nai cùng một số văn bản liên quan của UBND tỉnh Đồng Nai.
 
Bà Nguyễn Thị Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu UBND huyện kiểm tra, làm rõ xử lý trách nhiệm của cá nhân đơn vị liên quan để xảy ra tình trạng xây dựng không phép tại khu vực đất đã bàn giao cho KCN Hố Nai; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm hành chính về xây dựng, đất đai trong ranh giới KCN Hố Nai. Đồng thời giải quyết dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng phần diện tích của 14 hộ gia đình cá nhân theo quy định.
 
Nguồn: Ngọc Sơn
Báo Công an Nhân dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *