Cuteo@
Đã thành quy luật, mỗi khi chuẩn bị xét xử đối tượng phản động nào đó là Đài Á Châu Tự Do (RFA) lại bắt đầu inh ỏi với các luận điệu cũ rích nhằm xuyên tạc bản chất vụ án, đả phá chế độ, đồng thời kích động người dân phản đối. Khi chuẩn bị xét xử tên phản động Bùi Tuấn Lâm, thì vào chiều nay 27/4, RFA đã tiên phong có bài “Luật sư bị làm khó khi chuẩn bị bào chữa cho “thánh rắc hành” Bùi Tuấn Lâm”.
Bằng thủ đoạn đánh lận con đen, RFA viết rằng, Bùi Tuấn Lâm bị bắt sau khi đăng tải video nhại động tác của “thánh rắc muối” Salt Bae khi đút bò dát vàng cho thực khách để tấn công Bộ trưởng Bộ Công an.
Trên thực tế, Bùi Tuấn Lâm bị bắt hôm 7/9/2022 vì hàng loạt hành vi “Tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam“. Những ai theo dõi sẽ thấy trong cáo trạng của VKSND không hề có bất cứ tình tiết nào liên quan tới video nói trên.
Trong bài viết, RFA dẫn lời Luật sư Lê Đình Việt nói rằng, bị làm khó khi chuẩn bị bào chữa cho Bùi Tuấn Lâm, dù ông được cấp chứng nhận bào chữa từ hôm 24/4. Theo lời ông Ls Việt, thì “ông đã đến trại tạm giam của Công an Đà Nẵng để gặp thân chủ nhằm chuẩn bị bào chữa, tuy nhiên ông không được phía trại tạm giam cho gặp”.
Luật sư Lê Đình Việt nói với RFA hôm qua 26/4: “Họ đã từ chối không cho tôi gặp. Phía Toà án Nhân dân Thành phố Đà Nẵng nói rằng là do hồ sơ mới được Viện Kiểm sát chuyển sang, thẩm phán chưa có thời gian nghiên cứu và để đề phòng những bất trắc, phía Toà án đề nghị luật sư trong trường hợp muốn gặp thì sẽ thông báo thời gian gặp cho Toà án để Toà án bố trí người giám sát buổi làm việc với bị can“.
Ông Việt phàn nàn rằng, theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam cùng năm không có quy định nào buộc phải có sự giám sát của cơ quan hoặc người tiến hành tố tụng khi luật sư bào chữa gặp thân chủ là bị can, bị cáo.
Tuy nhiên, Luật sư này lại quên mất có Thông tư liên tịch số 01 năm 2018 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Toà án Nhân dân Tối cao và Thông tư số 46 năm 2019 của Bộ Công an hạn có quy định, “các cơ quan tố tụng có quyền cử người giám sát các cuộc gặp giữa luật sư và thân chủ nếu họ thấy cần thiết”. Mời xem ảnh chụp màn hình Thông tư 01/2018:
Khoản 3 điều 10 của Thông tư 01/2018 quy định: “3. Trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát. Nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bào chữa có hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc cản trở việc giải quyết vụ án thì người có thẩm quyền giám sát phải dừng ngay cuộc gặp và lập biên bản, báo cáo với Thủ trưởng cơ sở giam giữ và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để xử lý“. Mời xem ảnh chụp màn hình văn bản dưới đây, chú ý đến vùng khoanh đỏ:
Như vậy, phía Trại tạm giam từ chối không là đúng. Bởi Tòa án cần thời gian nghiên cứu hồ sơ và với trường hợp tráo trở như Bùi Tuấn Lâm thì phải “đề phòng những bất trắc”. Do đó, Toà án đề nghị khi Luật sư gặp Bùi Tuấn Lâm thì Tòa bố trí người giám sát.
Ông Luật sư Lê Đình Việt nên nhớ, Thông tư là văn bản quy phạm pháp luật có tính chất hướng dẫn, nên buộc các cơ quan tố tụng và các cá nhân liên quan phải chấp hành. Việc giám sát chính là để minh bạch hoạt động tố tụng, và tránh trường hợp luật sư xúi bị can khai báo gian dối, gây khó khăn cho xét xử. Nếu hiểu luật thì chắc chắn đây không phải là hành động gây khó dễ cho luật sư.
Theo cáo trạng của VKSND TP Đà Nẵng, trong thời gian từ ngày 17/4/2020 đến ngày 26/7/2022, Bùi Tuấn Lâm đã đăng tải 19 bài viết trên tài khoản Facebook có tên “Peter Lam Bui” và 25 video và bài viết lên kênh YouTube có tên “Nguyễn Văn Bung – VKSND thành phố Đà Nẵng”. Tất cả các bài viết và video đó đều có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân và bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.
Bùi Tuấn Lâm sinh năm 1984, hiện trú tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là thành viên của một số hội, nhóm chống Đảng, Nhà nước và các tổ chức phản động lưu vong… hoạt động núp bóng các tổ chức xã hội dân sự. Bùi Tuấn Lâm từng tham gia khóa huấn luyện về cái gọi là “xã hội dân sự” và “đấu tranh bất bạo động”… nhưng thực chất là các khóa huấn luyện cách thức hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam do tổ chức khủng bố Việt Tân và một số tổ chức phản động lưu vong huấn luyện.
Trước khi bị bắt, công an TP Đà Nẵng và chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở, giáo dục, cảnh báo, nhưng Bùi Tuấn Lâm bày tỏ thái độ bất hợp tác, và ngày càng quyết liệt chống phá. Việc Bùi Tuấn Lâm bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra là kết cục tất yếu của một chuỗi quá trình hoạt động vi phạm pháp luật và chống phá Nhà nước với ảo tưởng thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
Tin cùng chuyên mục:
Hai bức tượng kỳ lạ tại Đồ Sơn: Cảnh báo về quản lý thẩm mỹ công cộng
Trấn Thành và những tranh cãi về phát ngôn: Khi tài năng không đủ để bảo vệ hình ảnh
Ông Trần Đình Triển bị truy tố vì lợi dụng quyền tự do dân chủ
Tinh gọn bộ máy: Hướng đi quan trọng trong cải cách hành chính