HAI GÃ ĐẠO VĂN

Người xem: 186

Hai Gã Đạo Văn

Tôi Đạo Văn

Ngay khi Donald Trump kết thúc bài diễn văn quá tuyệt diệu, đầy hùng biện, thật mạnh mẽ, quá thuyết phục, cực quả quyết, và đỉnh cuốn lôi, thì bọn “tinh hoa” chống Trump đã ngay lập tức đăng bài nhạo báng Trump, chứng minh câu Trump nói trao quyền lực chính phủ vào tay nhân dân là đạo văn từ câu nói của nhân vật phản diện Bane trong phim Batman. Thấy nhiều kẻ thuộc giới tinh hoa – tức chính khách và nhà báo Hoa Kỳ – cực kỳ ngu dốt, tôi đã ngay lập tức đang ý kiến sau bằng tiếng Anh lên Twitter:


Nhằm cung cấp thêm cho các độc giả trẻ Việt Nam những vấn đề liên quan đến “đạo văn” (tức không những sử dụng những tình tiết trong một tác phẩm hàn lâm của người khác mà lại còn bảo đó do chính mình sáng tạo và thu lợi nhuận hoặc lợi lộc từ sụ sử dụng trái phép đó) đồng thời rút kinh nghiệm trước sự ngu xuẩn của bọn Mỹ chống Trump thì các công dân trẻ Việt Nam chuẩn bị bản lĩnh để xuất chiêu hùng biện bảo vệ quốc thể (nếu như sự ngu xuẩn ấy lây nhiễm đến bọn Mỹ chống Việt có khi sẽ xúc xiểm rằng lãnh đạo Việt Nam khi luôn sử dụng nhóm từ “chính phủ của dân, do dân, và vì dân” đã đạo văn của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln vốn là người đầu tiên sử dụng trong bài diễn văn đọc tại Gettysburg chiều Thứ Năm ngày 19 tháng 11 năm 1863), tôi xin đăng lại bài viết dưới đây đã được đăng lần đầu trên mạng Emotino ngày 02-6-2010.

Đạo Văn – Plagiarism
Tôi Đạo Văn

A) Đạo Văn

Bất kỳ ai có đi học đến bậc trên đại học đều biết thế nào là “đạo văn” tức plagiarism, thứ mà tất cả các giáo sư đại học đều phải giải thích rõ từ ngày đầu học phân môn mình giảng dạy cho sinh viên hiểu ngay về ý nghĩa của “đạo văn”, làm gì để tránh phạm lỗi “đạo văn”, và các biện pháp nghiêm khắc nhất nào sẽ được áp dụng để xử lý các trường hợp “đạo văn” bị phát hiện.

Bất kỳ ai biết chữ có đọc được báo chí, có nghe được các thông tin trên đài đều hiểu thế nào là “đạo văn”, ý nghĩa vô đạo đức trong hành vi “đạo văn”, và ý thức sự khinh miệt của công luận đối với những kẻ “đạo văn”.

Thế mà đạo văn lại là một sự việc nghiêm trọng không thể tưởng tượng được khi không phải có những sinh viên hay nhạc sĩ (đạo nhạc) chiếm hữu tác phẩm của người khác làm “con đẻ” của mình, mà lại là những giảng sư đại học, đến nỗi tuần trước có bài báo nêu việc có vị giáo sư nước ngoài khuyên là Việt Nam đừng “buộc” giáo sư Việt Nam viết sách khi họ không tài nào viết được, và nếu không miễn cho họ thì chính là bó buộc họ phải đạo văn. Khoan nói đến tính nghiêm túc của một “lời khuyên” loại đá cá lăn dưa đầu đường xó chợ với bao nỗi hoài nghi về chất lượng dịch thuật cũng như ý đồ của người Việt Nam nào viết bài báo ấy, dưới đây tôi xin trao đổi kinh nghiệm cá nhân về “đạo văn”.

B) Tôi Đạo Văn

Lần đầu trong đời tôi bị “mang tiếng” đạo văn là lúc tôi là sinh viên năm thứ nhất Ban Anh Văn, Đại Học Văn Khoa. Thủa ấy, môn Reading Comprehension (môn Đọc-Hiểu) thường theo công thức hàn lâm gồm một đoạn văn / một bài thơ / một đoạn kịch (bằng tiếng Anh) chỉ của các tác giả danh tiếng trong quá khứ (tuyệt đối không bao giờ dùng các bài báo hay các tác phẩm của các tác giả hiện đại để đưa vào giảng dạy), và các câu hỏi để sinh viên trả lời – thường gồm

(a) giải thích vài từ ngữ hay thành ngữ khó và dùng mỗi từ ngữ hay thành ngữ ấy trong một câu thí dụ,

(b) phân tích nội dung của đoạn văn/dòng thơ/đoạn kịch thoại,

(c) phân tích tâm tư của nhân vật trong đoạn văn/dòng thơ/đoạn thoại, và

(d) văn học sử: thời kỳ văn học của tác phẩm – tất nhiên tất cả phải viết bằng tiếng Anh.

Tôi có sở thích sáng tác thơ tiếng Anh và viết văn tiếng Anh từ nhỏ, và tôi biết chẳng ai giống mình.

Khi làm bài Reading Comprehension đầu tiên trong lớp Cô Trương Tuyết Anh (Tiến sĩ Văn Học Anh Đại học Sorbonne, Giảng sư Anh Văn Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và Đại Học Văn Khoa Tp Hồ Chí Minh, vượt biên sang Mỹ năm 1978), cứ mỗi từ ngữ/thành ngữ tôi giải thích ý nghĩa xong là tôi…“sáng tác” một bài sonnet (bài thơ mười bốn dòng) để minh họa, hoặc chí ít một stanza (khổ thơ bốn dòng) nếu từ ngữ/thành ngữ có ý nghĩa…chán ngắt.

Qua tuần sau, khi trả lại bài cho sinh viên, Cô (nói tiếng Việt giọng Miền Bắc, nói tiếng Anh líu lo giọng Pháp) đến trước tôi, ném bài tôi xuống, nhìn tôi đầy giận dữ, ánh mắt đầy khinh miệt, môi run run không nói nên lời, rồi bỏ đi. Tôi nhìn thấy giòng chữ mực đỏ “PLAGIARISM!” của Cô mà không thấy Cô cho điểm vì Cô đã không thèm chấm điểm bài của tôi, một thằng sinh viên mặt mũi sáng sủa nhưng đốn mạt vì ăn cắp văn tức đạo văn. Và tôi … sướng run cả người, vui mừng tột độ, vì mình đã viết tiếng Anh như người Anh! Sau vài lần ra bài tập làm tại lớp, Cô lại thấy tôi tiếp tục … đạo văn, rồi Cô thay đổi thái độ, vui vẻ, cho tôi điểm cao, và nói với tôi rằng tại bị vì bởi từ khi Cô đi học cho đến lúc thành tài Cô chưa thấy người Việt và người Pháp kể cả người Anh nào viết tiếng Anh được như tôi cả. (Cô cũng là người dạy tôi hiểu giá trị của “phản biện” khi đã tự ý cho tôi đủ điểm đậu thay vì là…điểm 3. Sự thể là khi làm bài thi học kỳ, bình giảng một bài sonnet trong tuyển tập 100 bài sonnet của Shakespeare, có bốn câu hỏi, với câu chót 3 điểm, tôi chỉ tập trung viết cho câu chót trong ba giờ, dài mấy chục tờ giấy thi, mỗi tờ bốn trang, khiến sau đó văn phòng không thể rọc phách vì có rọc cũng biết đó là bài của ai. Tôi phân tích thật chi tiết bài sonnet ấy của Shakespeare, cho ra các đề nghị sửa lại cho hình tượng thơ ca sâu sắc hơn, hình ảnh đẹp hơn, rồi viết hẳn một bài sonnet khác có ngôn từ và nội dung khác, chỉ tuân thủ nghiêm nhặt sự lập lại đúng y các vần và vận của từng khổ thơ, và sau đó “luận” về sự hoài nghi của tôi đối với đánh giá của các nhà phê bình văn học thế giới khi ca ngợi tuyển tập 100 bài sonnet ấy như thể hiện tình bằng hữu sâu đậm của nhà thơ đối với một vị huân tước của hoàng gia. Cô nói ở Sorbonne chưa thấy ai trình luận án tiến sĩ về Shakespeare như vậy cả, chưa có tạp chí nào phê bình Shakespeare giống tôi, nhưng tôi lập luận có l‎ý và Cô hoàn toàn bị thuyết phục là…bài sonnet ấy của Shakespeare sẽ hay hơn nếu chỉnh sửa lại như tôi và sự việc hoài nghi của tôi có tầm cỡ một vấn nạn mới phát hiện về Shakespeare nên Cô ra tay cứu vớt đứa học trò dám “chê” các câu hỏi khác, chỉ làm một câu 3 điểm nhưng được cho 4,5 điểm để được…đậu vớt!).

Ngoài ra, còn có Thầy Lê Văn Diệm (Tiến Sĩ Văn Chương Anh-Mỹ, Giảng sư Đại Học Huế và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Đại Học văn Khoa Tp Hồ Chí Minh, giáo sư thỉnh giảng biên soạn sách giáo khoa Văn Chương Mỹ tại Đại Học Boston, Hoa Kỳ) đã “lẳng lặng” xem tôi là một sinh viên đạo văn khi giận dữ đến lục tung cặp sách của tôi ngay tại lớp sau khi chấm bài luận văn của tôi, để xem tôi có giấu bài viết chép sẵn từ sách nước ngoài hay không, vì người Việt không thể viết luận văn Anh được như thế. Về sau, Thầy “lẳng lặng” cho tôi toàn điểm cao nhất, biến tôi thành Vua Luận Văn, “lẳng lặng” dấu diếm đưa tôi bao bột mì và bao bo bo tiêu chuẩn của Thầy để phụ tôi nuôi gia đình, và cho đến ngày cuối của cuộc đời Thầy vẫn còn dành cho đứa học trò “đạo văn” sự tự hào của người Thầy, luôn gọi tôi là “Director Phước”.

C) Tôi Lại Đạo Văn

Người thứ nhì ban tặng cho tôi từ Plagiarism là một Giáo Sư người Úc. Thủa ấy, khi đang học lấy bằng Thạc Sĩ ngành Kinh Doanh Quốc Tế, tôi đã quá nhuyễn về viết assignment, reports, hay survey – tất nhiên, phần reference tức phần danh mục tài liệu tham khảo luôn được tôi chăm chút cực kỳ cẩn thận, vì đó ngoài ý nghĩa đáp ứng đúng yêu cầu hàn lâm của viết lách tiểu luận hay công trình nghiên cứu, còn là biểu hiện đạo đức của đẳng cấp hàn lâm. Thế mà, một bài assignment nọ của tôi bị ghi “Plagiarism”, nhưng may mà có kèm theo vài giòng viết tay giải thích: “Bạn có ghi tên tác giả trong ngoặc đơn sau đoạn trích dẫn trong bài viết của bạn, nhưng Bạn lại quên không lập lại tên tác giả này trong phần reference cuối tiểu luận. Mà như thế cũng là phạm lỗi đạo văn. Vì lỗi này nhỏ nên tôi hạ kết quả xuống một bậc. Nếu trong bài đã không có ghi tên tác giả thì bài của bạn lẽ ra bị loại, và bạn bị đưa ra hội đồng kỷ luật. ” Chỉ cần sơ xuất gõ máy vi tính copy từ bản nháp và paste vô bản chính thiếu tên chỉ một tác giả trong phần danh mục thì dù có đã ghi rõ nhiều lần trong bài viết tên người ấy mỗi khi có trích dẫn, thì mình vẫn mang tiếng đạo văn, chứ nào phải ăn cắp cả quyển sách hay tác phẩm của người khác mới là đạo văn! Kính cảm ơn Giáo Sư, nhờ người mà tôi đã hiểu thêm tính khắt khe cần có của tư cách kẻ sĩ.

D) Lời Khuyên Hay Sự Nhạo Báng

Trở lại “lời khuyên” của người được cho là “một vị giáo sư nước ngoài”, rằng Việt Nam không nên buộc các giáo sư phải có công trình nghiên cứu hay phải viết sách vì giáo sư Việt nam không có khả năng ấy, buộc họ chỉ khiến họ phải đạo văn tức ăn cắp tác phẩm của người khác mà thôi. Rõ ràng chỉ có hai hoàn cảnh để có sự xuất hiện “lời khuyên” như vậy:

(a) người viết báo là kẻ láo khoét – tương tự trước đây có người viết rằng đã “phỏng vấn” một đạo diễn hàn Quốc và vị này cho biết các phim Hàn đang chiếu ở Việt Nam là phim rẻ tiền, người Hàn không thèm xem, mà ai cũng biết không bao giờ có một anh Hàn nào lại ngu dại nói như thế cả, hoặc

(b) vị giáo sư “có thật” kia là kẻ láo xược, vì rằng trên toàn thế giới không đâu có hạng giáo sư giảng dạy đại học mà không có công trình nghiên cứu có giá trị hàn lâm đăng trên các tạp chí chuyên đề tức journal hoặc có các tài liệu biên soạn được in thành sách cả.

Không thể soạn sách, không thể nghiên cứu, nghĩa là không liên tục đào sâu nghiên cứu, thì sao đủ trình độ làm giáo sư giảng dạy đại học? Còn “đạo văn” thì sao đủ tư cách làm giáo sư giảng dạy đại học? Lẽ nào để giáo sư Việt Nam có “tư cách”, Việt Nam chấp nhận để họ là những người non yếu trình độ hay sao? Và bao giờ nền giáo dục Việt nam mới có thể rời bỏ vị trí bấy lâu đứng mãi trên bậc thềm ngoài sương gió để tiến vào bên trong đại sảnh học thuật của thế giới hàn lâm?

Lời khuyên hay sự nhạo báng?

Chắc chắn không phải là một lời khuyên vì không có vị giáo sư thực thụ hay tiến sĩ thực thụ nào lại cho ra một lời khuyên như vậy cả.

Vào một ngày âm u nào đó, một khi Việt Nam vẫn vô tư hào phóng và rộng lượng cho phép bất kỳ một tên đá cá lăn dưa nước ngoài thuộc hạng cùng đinh ba que xỏ lá được tự do góp ý, thì ắt sẽ có kẻ sẽ dám đề nghị rằng để đối phó với vấn nạn nhiều tiến sĩ hay thạc sĩ Việt Nam xài bằng cấp giả, Nhà nước Việt Nam nên miễn cho các giáo sư dạy đại học khỏi phải có bằng tiến sĩ làm gì, tiến đến bỏ cả yêu cầu phải có bằng thạc sĩ hay cử nhân – hoặc thậm chí tú tài cũng vứt tất.

Hoàng Hữu Phước 
Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *