Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đã giải thích lý do ông Trần Văn Tân bị tuyên 6 năm tù nhưng vẫn chưa bị bãi nhiệm Phó Chủ tịch tỉnh.
Chiều 5/10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo về tình hình kinh tế xã hội quý III/2023.
Tại họp báo, ông Nguyễn Như Công, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam (chủ trì họp báo) đã trả lời trước câu hỏi vì sao chưa xem xét bãi nhiệm chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Trần Văn Tân khi ông này đã bị TAND TP Hà Nội xét xử và tuyên 6 năm tù về tội nhận hối lộ liên quan đến chuyến bay giải cứu. Đồng thời tỉnh cũng chưa xóa tư cách đại biểu HĐND đối với ông Tân.
Ông Trần Văn Tân.
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Như Công cho biết, hiện nay ông Tân có đơn kiến nghị xem xét lại bản án. Chính vì vậy việc xử lý, kỷ luật ông Tân còn phải chờ kết luận của đoàn kiểm tra Trung ương.
“Sau khi có quyết định xử lý kỷ luật của Trung ương, tỉnh sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm các chức danh của ông Tân do HĐND tỉnh bầu”, ông Công nói.
Trước đó, ngày 28/7, TAND TP.Hà Nội đã tuyên các mức án đối với 54 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu, ông Trần Văn Tân bị tuyên án 6 năm tù về tội danh nhận hối lộ.
Theo tạp chí Người đưa tin, căn cứ kết quả điều tra và nội dung cáo trạng, HĐXX xác định Trần Văn Tân khi là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, được phân công là Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, trực tiếp duyệt, ký công văn đồng ý cho doanh nghiệp đưa công dân về cách ly tại Quảng Nam.
Trong quá trình duyệt chủ trương cho công dân từ nước ngoài về cách ly, từ tháng 5/2021 đến tháng 12/2021, Trần Văn Tân đã nhận 9 lần, số tiền 5 tỷ đồng của Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky).
Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án và các tình tiết diễn ra trong phiên tòa, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo này 6 năm tù.
Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân bị dẫn giải đến phiên tòa. Ảnh: Người đưa tin
Trong suốt quá trình xét xử, Trần Văn Tân thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố đồng thời cũng bày tỏ sự ăn năn, hối hận vì sai phạm của mình.
Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo này cho biết việc nhận tiền của Công ty Bluesky chính là “hối tiếc lớn nhất” cuộc đời.
Đồng thời khẳng định “sẵn sàng chấp nhận tất cả để trả nghiệp”. “Tôi sẽ chấp hành hình phạt thật tốt để sớm trở về với Quảng Nam yêu thương, với gia đình, với vợ con, để ‘một nhà sum họp trúc mai. Càng sâu nghĩa bể càng dày tình sông’”, bị cáo Tân nói.
Bị cáo Tân gửi lời xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và công dân ở nước ngoài về nước cách ly dịch bệnh ở các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Quảng Nam… Bị cáo cũng gửi lời xin lỗi đến Tỉnh ủy,HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam, xin lỗi cha mẹ hai bên gia đình, vợ con, bạn bè gần xa và đặc biệt là nhân dân tỉnh Quảng Nam vì những sai phạm của mình.
Theo báo Dân trí, cũng tại buổi họp báo ngày 5/10, phóng viên còn đặt câu hỏi về vấn nạn sâm Ngọc Linh giả đang tràn lan trên thị trường, gây ảnh hưởng đến uy tín của loại cây được mệnh danh “quốc bảo của Việt Nam”.
Trả lời về vấn đề trên, Thượng tá Hà Thế Xuyên, Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết chưa có quy chuẩn cụ thể nào xác định sâm Ngọc Linh nên việc xác định được sâm nào là sâm Ngọc Linh thật, sâm nào có nguồn gốc từ nước ngoài rất khó khăn.
Theo ông Xuyên, trong 9 tháng qua, Công an tỉnh đã khởi tố 1 vụ với 1 bị can về tội trốn thuế liên quan đến sâm Ngọc Linh; khởi tố 1 vụ với 2 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến lừa đảo bán hạt sâm Ngọc Linh; xử phạt hành chính hành vi bán sâm không rõ nguồn gốc 2 vụ; xử phạt liên quan đến trốn thuế 3 công ty tại huyện Nam Trà My.
Vân Anh (T/h)
Báo Pháp luật & Đời sống
Tin cùng chuyên mục:
Hà Nội: Hơn 2,18 triệu lượt khách và sức hút khó cưỡng
Hà Nội lại được vinh danh trong xây dựng Thành phố Thông minh
Nga tăng cường tấn công cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine: Sân bay Ozernoye bị đánh phá nghiêm trọng
Trò thông đồng nâng giá đấu giá đất: Cảnh báo hành vi phá hoại chính sách kinh tế nhà nước