Sau công bố khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, một số thông tin báo chí đăng tải cho rằng thu nhập của đa số người lao động không đủ sống. Đây là thông tin chưa chính xác, và gây hoang mang cho xã hội.
Theo đó, cuộc khảo sát do Ban Chính sách pháp luật và Viện Công nhân công đoàn phối hợp thực hiện trong tháng 04/2023 tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, TP.HCM, Bình Dương, An Giang. Kết quả khảo sát lấy ý kiến của trên 3.000 công nhân tại 157 doanh nghiệp, 174 công đoàn cơ sở.
Được biết, người lao động và doanh nghiệp được khảo sát tập trung chủ yếu trong các ngành nghề: chế biến nông lâm thủy sản; dệt may; giày da; giao thông vận tải; lắp ráp điện, điện tử; xây dựng. Việc khảo sát được tiến hành bằng phiếu khảo sát với hình thức trực tiếp và gián tiếp.
Có thể nhận thấy, tính bao quát của cuộc khảo sát đã không đảm bảo ngay từ đầu, khi chỉ tập trung vào 3 địa phương ở khu vực miền Nam, và 3 địa phương ở khu vực miền Bắc, mà hoàn toàn không có địa phương nào ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Các ngành nghề khảo sát là những ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra, nên ý nghĩa khảo sát đời sống, tiền lương, công việc của người lao động nói chung đã bị lệch và phiến diện ít nhiều.
Trong Thông cáo báo chí Tình hình lao động, việc làm quý II năm 2023 của Tổng cục Thống kê, lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,1 triệu người, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,8 triệu người. Nhìn những số liệu trên, không thể không đặt dấu chấm hỏi với con số 3000 người tham gia khảo sát, và 75% trong số họ không thể là căn cứ vững chắc để kết luận là “đa số” người lao động.
Thêm nữa, việc trả lời khảo sát không phải bao giờ cũng khách quan, khi người tham gia khảo sát chưa ý thức được đầy đủ trách nhiệm với thông tin mình đưa ra. Mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau, và việc chi tiêu của mỗi gia đình cũng có những ưu tiên riêng. Cùng một mức thu nhập, có gia đình đảm bảo được những nhu cầu tồn tại và phát triển, có gia đình lại không, mà lâm vào nợ nần, tệ nạn. Tính chủ quan của người tham gia khảo sát cũng là một sai số đáng kể, nhất là với số lượng người tham gia ít, và không đảo bản tính toàn diện của vùng miền.
Rõ ràng, đã có khá nhiều sự khiên cưỡng và hạn chế trong khảo sát mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa công bố. Do đó, các kết luận kiểu như: “thu nhập không đủ sống”, “đẩy người lao động vào việc vay nợ xã hội đen”, hay “các tệ nạn phức tạp khác” là một kết luận khá vội vàng, chủ quan.
Không ai phủ nhận tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, trong bức tranh ảm đạm chung của tình hình khu vực, và thế giới. Người lao động làm công ăn lương là lực lượng dễ bị tổn thương nhất trong giai đoạn khó khăn này, nhưng việc tăng lương tối thiểu, nâng cao mức sống người lao động không thể được tiến hành hay “lấy động lực” bằng cách tham khảo những thông tin phiến diện và chủ quan như trên.
Thiết nghĩ, khảo sát liên quan đến những vấn đề có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội như tiền lương, người lao động, và việc làm, cần phải được tiến hành thận trọng, khoa học, khách quan. Ngoài ra, các cơ quan liên quan đến lĩnh vực lao động, công đoàn… hãy đẩy mạnh những khóa học miễn phí về pháp luật, và các kỹ năng mềm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các công ty tư nhân, hộ gia đình… giúp người lao động quản lý chi tiêu hiệu quả, tối đa hóa thu nhập một cách khoa học, đúng đắn; nhận diện đúng, không sa chân vào tín dụng đen hay tiếp tay cho các hành vi phạm pháp khác.
Nguồn: Phạm Khoa
Cánh Cò Blog
Tin cùng chuyên mục:
Trò thông đồng nâng giá đấu giá đất: Cảnh báo hành vi phá hoại chính sách kinh tế nhà nước
Thông tư 72/2024/TT-BCA: Quy định mới ngăn chặn tình trạng giữ phương tiện khi người điều khiển không có lỗi
Chuyên gia Na Uy hoài nghi kịch bản cuộc chiến ‘đối đầu Nga đến người Ukraine cuối cùng’
Đàm Vĩnh Hưng và câu chuyện thái độ ứng xử với khán giả