Trung Quốc xây thêm gần 800 tòa nhà, có thể chứa được 3 trung đoàn ở Trường Sa

Người xem: 107

Tàu chiến, máy bay quân sự các nước đi qua khu vực Trường Sa đều bị Trung Quốc quấy rối với cái gọi là ‘vùng cảnh báo quân sự’, nhưng không nước nào chấp nhận.
 
Reuters ngày 24/5 đưa tin, phân tích dữ liệu ảnh chụp vệ tinh 3 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa gồm Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập cho thấy, Bắc Kinh đã xây dựng thêm gần 800 tòa nhà, có thể là nơi lưu trú của 3 trung đoàn thủy quân lục chiến trong tương lai.
 
Riêng Xu Bi, cách bờ biển Trung Quốc 1200 km, bây giờ đã mọc lên gần 400 tòa nhà riêng biệt, nhiều nhất trong số 7 đảo nhân tạo.
 
Trong tương lai, Xu Bi có thể là căn cứ của hàng trăm lính thủy quân lục chiến, cũng như trung tâm hành chính nếu Trung Quốc đưa dân (bất hợp pháp) ra Trường Sa.
 
Cận cảnh các tòa nhà trên một góc đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Xu Bi, ảnh: http://fingfx.thomsonreuters.com
 
Dữ liệu ảnh chụp vệ tinh của Earthrise Media, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các phương tiện truyền thông bằng nghiên cứu độc lập về hình ảnh, đã cung cấp các bức ảnh phân giải cao chụp từ vệ tinh kể từ khi Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo năm 2014.
 
Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các sân bóng rổ gọn gàng, sân vận động phục vụ diễu hành và nhiều tòa nhà khác nhau, một số được bố trí ra đa.
 
Vành Khăn và Chữ Thập, mỗi đảo nhân tạo có khoảng 190 tòa nhà và các công trình riêng biệt. [1]
 
Hiện tại, Trung Quốc đã xây dựng (bất hợp pháp) tổng cộng 1652 tòa nhà / công trình trên Biển Đông (trong đó có 1350 tòa nhà ở Trường Sa, 805 tòa nhà ở Hoàng Sa);
 
Việt Nam có 338 tòa nhà / công trình; Philippines là 100 tòa nhà / công trình; Đài Loan 37 tòa nhà / công trình; Malaysia 28 tòa nhà / công trình. [2]
 
Hình ảnh cụ thể, mời quý bạn đọc theo dõi tại link số [2].
 
Số lượng các tòa nhà, công trình ở Xu Bi tương tự như đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc Đà Nẵng, Việt Nam, quần đảo đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp).
 
Cận cảnh các tòa nhà trên một góc đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Chữ Thập, ảnh: http://fingfx.thomsonreuters.com
 
Các nhà phân tích tin rằng, mỗi căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng ở Xu Bi, Chữ Thập và Vành Khăn đều có thể chứa 1 trung đoàn, từ 1.500 đến 2.400 quân.
 
Ding Duo, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc lập ra ở Hải Nam, bình luận:
 
“Quy mô lực lượng quân sự hiện diện ở Trường Sa đến đâu phụ thuộc vào đánh giá của Trung Quốc về mối đe dọa tiềm năng ở quần đảo này như thế nào.
 
Ở khu vực Trường Sa, Trung Quốc phải đối mặt với áp lực quân sự nghiêm trọng, đặc biệt kể từ khi Donald Trump nhậm chức và tăng cường tuần tra tự do hàng hải.
 
Vì vậy, Trung Quốc đã nâng cao cảnh giác về mối đe dọa với mình.”
 
Tháng này, Nhà Trắng đã nêu mối quan ngại về việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông sau khi CNBC loan báo, Bắc Kinh đã bố trí tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 và tên lửa phòng không HQ-9B ở Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi.
 
Tuần trước, Trung Quốc công khai tiết lộ việc đưa máy bay ném bom H-6K của họ xuống diễn tập (bất hợp pháp) ở quần đảo Hoàng Sa.
 
Các tàu đổ bộ lớn, chiến hạm các loại của Trung Quốc đã thấy xuất hiện tại Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn, điều các sĩ quan hải quân nước ngoài xem như một sự hiện diện thường trực của quân đội Trung Quốc trong vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp.
 
Quân đội Trung Quốc đang sử dụng các đảo nhân tạo để nói với hải quân nước khác (ngầm áp đặt cái gọi là) “vùng cảnh báo quân sự”, một thuật ngữ mơ hồ không có cơ sở pháp lý quốc tế.
 
3 tàu chiến Australia trên đường tới Việt Nam, đi ngang qua khu vực Trường Sa đã vấp phải cảnh báo “lịch sự nhưng mạnh mẽ” của Trung Quốc.
 
Một nguồn tin quen thuộc với các báo cáo an ninh của phương Tây nói với Reuters, hiện tượng này gần như đã trở nên thường xuyên chứ không còn là ngoại lệ trong khu vực quan trọng ở Biển Đông.
 
Các tàu và máy bay từ Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, New Zealand, Việt Nam, Malaysia và Philippines đã nhận được những cảnh báo tương tự (Australia).
 
Tuy nhiên hải quân các nước đều thường xuyên nhấn mạnh rằng họ đang hoạt động trong vùng biển quốc tế và tiếp tục hải trình của mình khi vấp phải cái gọi là “vùng cảnh báo quân sự” mà Trung Quốc đưa ra. [1]
 
Nguồn:
 
 
 
Hồng Thủy/Nguồn: Giáo Dục VN
 
Xây 400 tòa nhà, Trung Quốc tính đưa thủy quân lục chiến tới đá Subi?
 
Số lượng công trình kiên cố trên đá Subi bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép nhiều hơn bất cứ hòn đảo hay thực thể nhân tạo nào ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Những công trình trên đá Subi thoạt đầu dễ khiến người ta nhầm lẫn đó là một thị trấn nhỏ trên đất liền. Những con đường nhỏ, sân thể thao và các tòa nhà kiểu dân sự đó sẽ sớm được lấp đầy bởi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lính thủy quân lục chiến Trung Quốc, các chuyên gia phân tích cảnh báo.
 
Một trung tâm hành chính đã dần hình thành trên đá Subi làm dấy lên suy đoán thực thể này sẽ sớm đón nhận các thành phần dân sự tới sinh sống, theo Hãng tin Reuters.
 
Ảnh chụp tháng 10/2017 cho thấy các công trình trái phép Trung Quốc xây phía bắc đá Subi. 1) Các kho chứa ngầm dưới lòng đất; 2) Các cơ sở cảm biến và liên lạc; 3) Cầu cảng di động dùng để bốc dỡ hàng hóa; 4) Trạm radar cao tần; 5) Một trong 4 công sự phòng thủ. Vị trí được cho là doanh trại của thủy quân lục chiến Trung Quốc nằm sát khu vực số 2. (Ảnh: CSIS/AMTI)
 
Theo dữ liệu từ Earthrise, một tổ chức phi chính phủ, Trung Quốc xây trái phép hơn 400 công trình kiên cố trên đá Subi kể từ năm 2014. Số lượng các công trình này đã bằng với số công trình Trung Quốc xây trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
 
Dựa trên các hình ảnh vệ tinh được cung cấp bởi DigitalGlobe, tổ chức do ông Dan Hammer đứng đầu, đã phân tích và phát hiện một số lượng lớn các tòa nhà kiểu dân sự, sân bóng rổ và đường diễu binh đã được xây dựng trên đá Subi. Một vài trong số này được gắn các thiết bị trông như radar.
Ảnh chụp ngày 20/5/2018 toàn cảnh đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Reuters) 
 
Sau khi được cho xem các hình ảnh từ đá Subi, chuyên gia Collin Koh tại Singapore nhận xét số lượng các công trình thật sự “đáng kinh ngạc”. 
 
“Tôi thấy một doanh trại tiêu chuẩn của quân đội Trung Quốc như trên đất liền, ngay sát các sân bóng rổ. Nếu Bắc Kinh muốn đưa quân tới đây, đó sẽ là một bước leo thang cực kỳ lớn. Tuy nhiên họ sẽ cần làm nhiều thứ để đảm bảo an ninh và duy trì lực lượng quân sự đó”, ông Koh nhận định với Reuters.
 
Subi là thực thể nhân tạo lớn nhất trong 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và xây dựng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cùng với đá Vành Khăn và đá Chữ Thập, đá Subi được xếp vào nhóm “Tam Đại” với đầy đủ các công trình như nhà chứa tên lửa, đường băng 3.000m, các nhà chứa máy bay cỡ lớn và những công trình theo dõi tàu bè, máy bay nước ngoài.
 
Dữ liệu từ Earthrise cho thấy trên đá Chữ Thập và Vành Khăn chỉ có khoảng 190 công trình và cấu trúc.
 
Tổng cộng Trung Quốc đã xây hơn 1.600 công trình trái phép trên các thực thể mà nước này chiếm đóng bất hợp pháp thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
 
Ảnh chụp tháng 10/2017 các công trình trái phép phía nam đá Subi. 6) Đường băng 3.000m hoàn thành từ cuối năm 2016; 7) Khu vực nhà chứa máy bay, đủ sức chứa ít nhất 20 tiêm kích; 8) 4 nhà chứa cỡ lớn đủ sức chứa máy bay ném bom cỡ lớn như H-6K; 9) Các kho chứa đạn dược ngầm; 10) Trạm radar; 11) Một trong 4 công sự phòng thủ; 12) Nhà chứa tên lửa. (Ảnh: CSIS/AMTI)
 
Ông Koh và các chuyên gia quân sự khác ước tính với số lượng công trình hiện tại, Trung Quốc có thể triển khai khoảng 1 trung đoàn từ 1.500 tới 2.400 binh sĩ lên đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi.
 
Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng rồi, đô đốc Philip S. Davidson – người được đề cử làm tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ) – cảnh báo Trung Quốc đã đủ khả năng kiểm soát hoàn toàn Biển Đông trong bất kỳ cuộc chiến nào với Mỹ.
 
“Quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng các căn cứ (trên Biển Đông) để thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Các lực lượng được triển khai tới những căn cứ này có thể lấy đó làm bàn đạp đè bẹp một cách dễ dàng các lực lượng quân sự của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”, vị đô đốc Mỹ cảnh báo.
 
“Nói tóm lại, Trung Quốc giờ đã đủ khả năng kiểm soát Biển Đông trong bất kỳ viễn cảnh chiến tranh nào với Mỹ”, tướng 4 sao của Mỹ thừa nhận.
Ảnh chụp tháng 5/2018 các nhà chứa máy bay cỡ lớn trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Với kích thước này, chúng đủ sức chứa những máy bay như H-6K mà Trung Quốc cho đáp xuống Phú Lâm. Đá Chữ Thập và Subi có các nhà chứa tương tự. (Ảnh: CSIS/AMTI) 
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc cho máy bay ném bom diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
 
Hôm 21/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
 
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), tạo bầu không khí thuận lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *