Đây là bài viết đã được ĐTTC đăng tải vào tháng 3-2023, song cho đến nay mọi việc vẫn chưa thể tháo gỡ. Doanh nghiệp lâm vào thế gần như phá sản, ngân hàng cho vay cũng nằm trong thế kẹt vì không thể bán dự án “chết” là tài sản đảm bảo.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành một số văn bản để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các DN đầu tư dự án năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió và điện mặt trời. ĐTTC xin trích đăng lại bài viết này để bạn đọc có góc nhìn tổng thể.
Lỗi do… đại dịch Covid -19
Thực hiện “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam”, và cụ thể hóa các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 năm 2021, các nhà đầu tư (NĐT) đã góp phần đưa tổng công suất lắp đặt của nguồn điện mặt trời, điện gió từ mức không đáng kể trong giai đoạn trước năm 2019, tăng lên 26% tổng công suất hệ thống điện Việt Nam vào năm 2021.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, có 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 4.676,62MW (trong đó gồm có 4.184,8 MW điện gió và 491,82 MWac điện mặt trời) đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại (COD) so với kế hoạch.
Theo đó, việc chậm tiến độ làm các dự án này không kịp hưởng giá điện cố định (FIT) theo quy định. Trong đó đặc biệt là nhóm 34 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 2.090,97MW (gồm 28 dự án điện gió với tổng công suất 1.638,35MW, và 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MW) đã hoàn tất thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động.
Trong một thời gian dài, các NĐT đã phải chờ đợi Chính phủ ban hành cơ chế giá phát điện mới, làm tiền đề cho việc thỏa thuận giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Và chính sách áp dụng cho các dự án chuyển tiếp gần đây đã được Bộ Công Thương ban hành với các văn bản như Thông tư 15, Quyết định 21 và Thông tư 01.
Tuy nhiên, các quy định tại Quyết định 21 và Thông tư 01 đã bộc lộ các điểm bất cập về pháp lý cũng như hiệu quả tài chính cho NĐT, nguy cơ lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản.
Bởi nếu cơ chế mới được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng (ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng), sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi vốn.
Những băn khoăn cho các NĐT
Các NĐT cho rằng, quá trình Bộ Công Thương ban hành Quyết định 21 dường như quá vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng. Việc giao cho EVN/EPTC làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập, là chưa phù hợp với thực tiễn.
Trong khi đó, cơ chế giá phát điện cho dự án điện mặt trời áp dụng từ 1-1-2021, và dự án điện gió áp dụng từ 1-11-2021 chưa được Bộ Công Thương đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định theo quy định tại Quyết định 13 và Quyết định 39.
Qua rà soát lại các căn cứ ban hành Quyết định 21, các NĐT thấy rằng không có tham chiếu nào đề cập tới văn bản chỉ đạo, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này. Như vậy có thể hiểu Bộ Công Thương tiến hành dự thảo Quyết định 21 đã không tham vấn hoặc chưa có sự chấp thuận, phê duyệt về mặt nguyên tắc từ Thủ tướng Chính phủ, theo chỉ đạo tại Quyết định 13 và Quyết định 39.
Theo đó, kết quả tính toán giá phát điện đề xuất của EVN không bảo đảm được nguyên tắc tỷ suất lợi nhuận sau thuế (IRR) đạt 12% cho NĐT tại Thông tư 15; cũng như bất hợp lý giữa giá phát điện của các dự án điện gió và thực tế giá bán lẻ điện bình quân của EVN gần đây đã tăng lên.
Đề xuất và kiến nghị
Hiện Thông tư 01 đã bãi bỏ 3 nội dung quan trọng, bao gồm: bãi bỏ thời hạn áp dụng giá mua điện trong thời hạn 20 năm; bãi bỏ điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD; bãi bỏ điều khoản về trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng từ dự án điện gió nối lưới tại điểm giao nhận. Cùng với khung giá điện bất hợp lý của Quyết định 21, việc xóa bỏ các chính sách khuyến khích theo Thông tư 01 sẽ làm thay đổi mô hình tài chính, làm mất khả năng tiếp cận vốn vay và quản lý rủi ro của dự án.
36 NĐT cùng các hiệp hội DN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu và thực hiện, nhằm bảo đảm việc ban hành cơ chế giá phát điện cho dự án chuyển tiếp phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, cũng như tạo nên môi trường thu hút NĐT trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Thứ nhất, tính toán lại khung giá điện tại Quyết định 21, gồm tuân thủ đầy đủ các thủ tục về đề xuất và ban hành khung giá phát điện cho dự án chuyển tiếp; thực hiện thuê đơn vị tư vấn độc lập tính khung giá phát điện và tuân thủ các yêu cầu về tham vấn với Hội đồng Tư vấn và Bộ Tài chính, nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch; khắc phục những điểm chưa phù hợp trong tính toán như đã nêu.
Thứ hai, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương ban hành các thông tư mới về các hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện gió và điện mặt trời chuyển tiếp.
Theo đó, các hợp đồng mẫu này cần giữ lại các chính sách khuyến khích cho năng lượng tái tạo: (i) Thời hạn áp dụng giá mua điện cho dự án chuyển tiếp 20 năm; (ii) cho phép chuyển đổi giá sang USD và được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VNĐ/USD, hoặc có quy định về tỷ lệ lạm phát/trượt giá trong giá phát điện; (iii) quy định trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án năng lượng tái tạo với giá mua điện tại điểm giao nhận.
Có như vậy mới giúp NĐT an tâm tiếp tục đầu tư và phát triển các dự án chuyển tiếp và tránh thiệt hại kinh tế, thậm chí có thể gây sụp đổ dự án và tác động tăng nợ xấu gây ảnh hưởng khôn lường tới hệ thống ngân hàng vì mục tiêu hoàn vốn không khả thi.
Thứ ba, trong thời gian chờ đợi chính sách mới, NĐT kiến nghị cho phép các dự án đã hoàn tất đầu tư xây dựng được đưa vào vận hành, ghi nhận sản lượng phát điện lên lưới và được thanh toán cho sản lượng điện này, sau khi quá trình đàm phán giá điện theo khung giá mới đã hoàn tất.
Cơ chế giá phát điện thiếu hợp lý sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, giảm khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài do sự thiếu ổn định chính sách phát triển năng lượng sạch, cũng như ảnh hưởng tới hệ thống tài chính – ngân hàng.
Nguồn: Giang Nam/Đầu Tư Tài Chính
Tin cùng chuyên mục:
Trò thông đồng nâng giá đấu giá đất: Cảnh báo hành vi phá hoại chính sách kinh tế nhà nước
Thông tư 72/2024/TT-BCA: Quy định mới ngăn chặn tình trạng giữ phương tiện khi người điều khiển không có lỗi
Chuyên gia Na Uy hoài nghi kịch bản cuộc chiến ‘đối đầu Nga đến người Ukraine cuối cùng’
Đàm Vĩnh Hưng và câu chuyện thái độ ứng xử với khán giả