Tản mạn về trứng vịt lộn

Người xem: 187


Tờ Tinh hoa Việt (phụ trương của báo Đại đoàn kết, số 49 (từ 10 đến 25 tháng 4-2017) đã đăng bài “Tản mạn về…trứng vịt lộn” của tôi. Hôm nay tôi xin đưa bài viết này lên Fb hầu bạn đọc.

TẢN MẠN VỀ… TRỨNG VỊT LỘN

Lâu rồi sáng nay con dâu mới mua trứng vịt lộn về ăn sáng. Tôi thử hỏi giá, cháu bảo:

– 6.000 đồng một quả, bố ạ. 

Còn vợ tôi buột miệng:

– Gần bằng giá của chiếc xe máy bố bán trước đây con ạ!

Tôi mỉm cười nhớ lại giá chiếc xe máy Vespa Supper 150 của Ý tôi bán năm 1984 được 65.000 đồng sau cuộc đổi tiền ngày 14/9/1985 giảm xuống 10 lần, chỉ còn 6.500 đồng nên bây giờ giá quả trứng vịt lộn gần bằng giá một chiếc xe máy là thế! Một thời gian dài trứng vịt lộn là món khoái khẩu của bà xã tôi và cũng rất lạ, có thời bà ấy thường dùng trứng vịt lộn làm vật ngang giá, cái gì cũng quy ra …trứng vịt lộn, coi trứng vịt lộn như tiền vậy! Còn tôi, quả trứng vịt lộn cũng gắn với nhiều kỷ niệm, nhiều lúc nhớ lại cũng thấy vui vui…

1.Tôi không còn nhớ lần đầu tiên được ăn trứng vịt lộn là vào năm nào, khi bao nhiêu tuổi. Tôi chỉ nhớ năm 8 tuổi, thời còn trong kháng chiến chống Pháp, tôi được bác tôi – chị ruột của bố, thay mẹ tôi mất khi tôi mới hơn 4 tháng tuổi nuôi bẩy anh chị em tôi, người rất mực cưng chiều tôi, một lần cho tôi ăn trứng vịt luộc. Tôi háu ăn đến mức ăn liền hai quả, nuốt không kịp, bị nghẹn, cứ ngắc ngứ mãi, khiến bác tôi phát hoảng. Còn trứng vịt lộn, có lẽ phải đến năm tôi học hết đại học, ra trường, trở thành phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Quảng Bình thời chống chiến tranh phá hoại của Mỹ thì mới trở thành “món ăn kỷ niệm” mà tôi nhớ đến bây giờ. 

Dạo ấy, trứng vịt lộn không phải là món ăn bình dân, quá phổ biến như bây giờ. Có lẽ thời buổi chiến tranh, mọi thứ hàng hoá đều khan hiếm, đều thuộc chế độ phân phối nên trứng vịt lộn cũng là thứ “hàng hoá” khan hiếm, trở thành món “đặc sản”, thỉnh thoảng mới được thưởng thức. Bạn bè chiêu đãi nhau vài quả trứng vịt lộn đã là oách lắm, sang lắm rồi. Tôi nhớ mãi cái ngày tôi đạp xe từ thôn Sen Bàng tít ngoài huyện Bố Trạch vào cuối huyện Lệ Thuỷ xa hàng chục cây số thăm gia đình một người bạn gái, được mẹ bạn chiêu đãi một bữa trứng vịt lộn ăn mệt nghỉ. Lúc ra về, mẹ bạn còn tặng cho 10 quả nữa để mang về làm quà đãi các bạn cùng cơ quan. “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, đạp xe lóc cóc mấy chục cây số đường đầy hố bom tôi chỉ sợ vỡ mất món quà 10 quả trứng vịt lộn mang về chiêu đãi bạn bè mà mẹ cô bạn tặng. May quá khi về đến Phân xã 10 quả thì 8 quả còn nguyên, chỉ có 2 quả bị dập, chưa vỡ hẳn!

Năm 1971 tôi rời Quảng Bình vào Quảng Đà (Quảng Nam – Đà Nẵng) làm phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) Khu 5. Ở rừng, ăn chẳng đủ no, mỗi ngày tiêu chuẩn mỗi người có nửa lon gạo, còn toàn là khoai, sắn hoặc bất cứ thứ gì ăn được đều cho vào bụng thì lấy đâu ra trứng vịt lộn mà ăn. Trứng vịt lộn trở thành “món ăn quen mà lạ”, món ăn trong trí nhớ một thời.

2. Thế rồi đất nước được giải phóng, chiến tranh chấm dứt, từ rừng Trường Sơn tôi và người yêu (bà xã tôi bây giờ), lúc đó đều là phóng viên cùng ở TTXGP Khu 5, trở về thành phố Đà Nẵng làm việc. Tối tối nghe giọng Quảng Nam của ai đó rao “hô vi lơ” ngang qua cổng cơ quan trên đường Lê Thánh Tôn mà tôi không biết là rao bán gì, mãi sau mới biết đó là tiếng rao bán “Hột vịt lộn”! Hột vịt lộn trở thành món ăn khoái khẩu của bà xã tôi và cả của tôi dạo ấy. Thỉnh thoảng muốn chiêu đãi bạn bè, vợ chồng tôi lại rủ các bạn ra bờ sông Hàn, kéo mấy chiếc ghế thấp lè tè, ngồi quây quần bên gánh trứng vịt lộn. Bờ sông hồi ấy tối om, chỉ có ánh đèn dầu le lói của bà bán hàng, dọc sông chưa được lát gạch và có đèn sáng như bây giờ. Sau này, một đôi lần ghé qua Đà Nẵng tôi không còn thấy bà bán trứng vịt lộn năm xưa ngồi dưới gốc cây si bên bờ sông Hàn nữa. Sông Hàn với những cây cầu mới xây vắt ngang trở thành dòng sông đẹp đẽ, nước sông trong xanh, hai bên bờ sông được lát gạch rộng rãi, những hàng đèn sáng trưng, du khách đi dạo nườm nượp. Chẳng biết bây giờ bà bán trứng vịt lộn ngày nào còn hay mất, nhưng đêm đêm ở Đà Nẵng thỉnh thoảng vẫn còn được nghe tiếng rao “hô vi lơ” như một kỷ niệm từ xa vắng lại về.

3. Năm 1980 tôi được chuyển công tác về Hà Nội, sau đó nhiều năm được cử làm phóng viên chuyên trách của TTXVN đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Năm 1983, tôi được tháp tùng Tổng Bí thư vào thăm quê ông ở làng Bích La Đông, Quảng Trị, rồi thăm Thừa Thiên – Huế. Ngày ấy còn bao cấp, cuộc sống rất khó khăn, anh em phóng viên chúng tôi đi theo Tổng Bí thư đều được dặn rất kỹ rằng: không được làm gì phiền phức đến địa phương và nhất là không được nhận quà cáp gì của địa phương. Tôi nhớ trước đó, trong một chuyến đi theo Tổng Bí thư vào thăm tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, một vị lãnh đạo địa phương là chỗ tôi quen biết, thân tình từ trước giải phóng hỏi tôi là địa phương muốn biếu anh em đi theo Tổng Bí thư mỗi người một cân đường, một cân cá khô và một đôi dép nhựa do địa phương sản xuất từ nhựa tái sinh không biết có được không? Ông nhờ tôi thăm dò ý kiến ông Đống Ngạc, Trợ lý của Tổng Bí thư. Ông Đống Ngạc gạt ngay:

– Ban Bí thư mới có chỉ thị là các địa phương không được biếu quà cho các đồng chí lãnh đạo mỗi khi các đồng chí về thăm địa phương. Nay anh Ba (tức ông Lê Duẩn) về mà anh em đi theo lại nhận quà là không được! 

Vì thế lần này về thăm Bình Trị Thiên chẳng ai trong chúng tôi lại nghĩ đến quà cáp, dù chỉ là mấy món quà quê. Ấy vậy mà trước khi rời Huế ra Hà Nội, tôi và mấy phóng viên đi theo Tổng Bí thư được nhận mỗi người một cân đường vàng do địa phương sản xuất, một chai nước mắm ngon, nửa cân tôm khô và một chiếc nón Huế! Một cán bộ của Cục Quản trị, Văn phòng Trung ương Đảng nói rằng đây là quà quê của Tổng Bí thư nên được nhận (lúc đó Bình Trị Thiên là một tỉnh, chưa tách thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế như bây giờ). Một điều thật thú vị là chiều hôm trước khi Đoàn bay ra Hà Nội, Thiếu tá Nguyễn Văn Giáo, cận vệ của Tổng Bí thư nói nhỏ với mấy anh em phóng viên chúng tôi: “Địa phương bán cho mỗi người 20 qủa trứng vịt lộn. Nếu ai mua thì nộp tiền”. Tôi nộp ngay tiền vì đâu dễ mua được trứng vịt lộn với số lượng nhiều như thế trong thời bao cấp đem về làm quà !

Sáng hôm sau, tôi có tên trong danh sách 14 người được đi cùng chuyến máy bay chuyên cơ của Tổng Bí thư Lê Duẩn từ sân bay Phú Bài ra Hà Nội, còn một số anh em khác đi ô tô. Hành lý mang theo của tôi có thêm 20 quả trứng vịt lộn, hơn hẳn 10 quả lần tôi “rinh” trứng vịt lộn từ Lệ Thuỷ về Bố Trạch bằng xe đạp ở Quảng Bình 15 năm trước! 20 quả trứng vịt lộn được “cưỡi” chuyên cơ ấy trở thành món ăn “đặc sản” chiêu đãi bố tôi và bố vợ tôi vừa từ Lạng Sơn về thăm con rể ở Hà Nội và cũng là để hỏi thực hư về tin đồn “Ông Lê Duẩn mất rồi” mà dư luận ồn lên đúng vào thời điểm đó! Để rồi ngay sáng hôm sau, tôi lại có mặt tại gian hàng triển lãm đồ gỗ xuất khẩu trong Trung tâm triển lãm Giảng Võ, tuy đã đóng cửa nhưng vẫn đón Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm để quay phim, chụp ảnh, đưa tin, khẳng định tin đồn ông mất chỉ là …tin vịt!

4. Năm 1984 tôi được cử đi học tập trung hai năm ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đi học tập trung giữa thời bao cấp, cái gì cũng tem phiếu, cơm cao gạo kém, con cái còn nhỏ, kinh tế gia đình quả thật rất khó khăn. Chả còn cách nào khác, tôi đành mang bán chiếc xe Vespa Supper 150 mua từ sau ngày giải phóng, được 65.000 đồng, đưa bà xã gửi tiết kiệm rút lãi hàng tháng để thêm vào nuôi con. Bà xã tôi nhẩm tính với lãi xuất tiết kiệm ngày ấy thì mỗi tháng rút lãi cũng có thể mua được 2 kg thịt bò ngoài chợ đen, vài cân cá hoặc vài chục quả trứng “cho con có thêm chất đạm!”. Nào ngờ gửi tiết kiệm được một thời gian ngắn thì đồng tiền mất giá, lạm phát cao ngất ngưởng, lúc nào cũng ở mức hai con số, tiền lãi tiết kiệm hàng tháng không còn đủ mua nửa kg thịt bò. Thế rồi, đánh đùng một cái, xảy ra vụ đổi tiền! Giá trị tiền đồng bị hạ xuống 10 lần, 65.000 đồng bà xã tôi gửi tiết kiệm chỉ còn 6.500 đồng, chán, không còn buồn lấy tiền lãi hàng tháng nữa. Năm 1987 tôi trúng tuyển đi làm nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc, thỉnh thoảng gửi được chút hàng về cho vợ con, khi là chiếc xe đạp, lúc là dăm bộ quần áo thể thao để “cải thiện đời sống”. Bà xã tôi quên hẳn số tiền 6.500 đồng trong sổ tiết kiệm cho đến năm 1990 tôi về nước mới lại nghĩ đến. Thôi thì đằng nào cũng là tiền của mình, ít nhiều thì cũng lĩnh ra, gộp lại cùng với số tiền chẳng nhiều nhặn gì tôi mang về sau gần 3 năm ở Tiệp, không gửi ngân hàng nữa mà gửi tiền vào Quỹ tín dụng nhân dân Đông Đô để… có lãi suất cao hơn. Thế là, một lần nữa lại gặp rủi ro: hai tháng sau Quỹ tín dụng này bị vỡ, số tiền vợ chồng tôi gửi bị mất trắng!.

Tôi còn nhớ, hôm rút toàn bộ cả gốc lẫn lãi trong gần 3 năm gửi tiết kiệm số tiền 6.500 đồng, tất tần tật được chưa đầy 7.000 đồng, bà xã tôi thở dài thườn thượt: 

– Bán cả một chiếc xe máy gửi tiết kiệm mấy năm nay rút ra chỉ đủ mua vài trăm quả trứng vịt lộn!

Ấy là giá của năm 1990, chứ còn bây giờ thì…

Thế là trứng vịt lộn trở thành vật so sánh, “thang giá trị cơ bản” của bà xã tôi. Nói một cách hài hước, nó trở thành bản vị thanh toán, thành vật ngang giá chẳng khác gì tiền, vàng khi đem ra cân đong đo đếm giá trị hàng hoá thời bây giờ!

5. Tôi vào google, gõ mấy chữ “Trứng vịt lộn” để thử xem cái món ăn khoái khẩu, cái “vật ngang giá” của bà xã tôi được thiên hạ nói đến như thế nào. Này đây: WikipediA (Bách khoa toàn thư mở, bản tiếng Việt) viết rằng: “ Trứng vịt lộn hay là hột vịt lộn là món ăn được chế biến từ quả trứng vịt khi phôi đã phát triển thành hình. Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân ở Việt Nam… và được coi là món ăn bổ dưỡng. Trứng được bán rong, hoặc tại các góc phố, các hàng ăn nhỏ”. 

Trang mạng này còn cho biết, trứng vịt lộn là món ăn được ưa chuộng ở một số nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Campuchia…, tuy cách chế biến có khác nhau một chút. Tại Philippines, trứng vịt lộn (gọi là Balut theo ngôn ngữ địa phương) cũng được “thưởng thức” rộng rãi ở mọi tầng lớp nhân dân, có điều trứng thường chỉ được ấp đến 17 ngày và không dùng rau răm, trong khi trứng vịt lộn tại Việt Nam thường già hơn một chút, từ 19 đến 21 ngày tuổi và luôn có rau răm đi kèm. 

Đọc một vài trang mạng khác, tôi còn được biết thêm nhiều chuyện thú vị về trứng vịt lộn. Chẳng hạn bây giờ không chỉ có món trứng vịt lộn vẫn ăn theo kiểu thông thường mà đã có “trứng vịt lộn ngải cứu”, “trứng vịt lộn chiên ròn”, “hột vịt lộn xào me, chiên me, món ăn ưa thích của tuổi teen”… Lại nữa, “trứng vịt lộn là vị thuốc bổ, chữa yếu sinh lý”, “trẻ em gày còm ăn trứng vịt lộn mỗi ngày một quả hơn cả mọi loại thuốc bổ đắt tiền”, “thí sinh nên ăn trứng vịt lộn trước khi đi thi” v.v…và v.v…Nhưng có lẽ hai cái tin tôi đọc cách đây mấy năm: “11 thanh niên cướp 20 quả trứng vịt lộn ngày 7/8/2010 ở xã Eakao, Buôn Ma Thuột” và “ Ngày 9/7/2010 nhà chức trách ở thành phố Công Chủ Lĩnh thuộc tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc phát hiện một nhà hàng làm trứng vịt lộn từ những con gà con chết” để bán cho khách là những tin giật gân nhất tôi đọc được trong những bài viết về trứng vịt lộn trên internet. Và chắc có thể có người như tôi thật bất ngờ khi biết cái món ăn khoái khẩu của nhiều người Việt Nam này lại là “nỗi khiếp đảm của nhiều người nước ngoài ở châu Âu, châu Mỹ”! Trang Website Quốc tế của hãng truyền hình CNN (Mỹ) đã gọi trứng vịt lộn là một trong 10 món ăn đầy “thách thức” đối với du khách phương Tây khi đến Việt Nam. Còn ông Harry Teicher, một du khách đã đến Việt Nam, thử ăn mấy món ăn đầy “thách thức”, đã xếp trứng vịt lộn đứng đầu trong danh sách “5 món ăn ghê rợn nhất châu Á”, gồm: trứng vịt lộn, tim rắn (Việt Nam), nhện đen (Campuchia), ngao trần (Thượng Hải, Trung Quốc) và cá nóc (Nhật Bản). Còn theo Adam Bray, tác giả của 15 cuốn sách hướng dẫn du lịch về Việt Nam, Lào, Thái Lan, thì trứng vịt lộn đứng thứ 6 trong 6 món ăn thách thức nhất ở Việt Nam (côn trùng, ếch, phá lẩu (món thập cẩm từ lòng con vật) , răng mực, trứng vịt lộn).

Đọc những dòng trên đây trên mạng, tôi nhớ tới lần được đọc bài báo của một nữ nhà văn, nhà báo Mỹ trên một tờ báo tiếng Việt kể về lần đầu tiên bà biết đến món trứng vịt lộn, món ăn khoái khẩu của người Việt Nam. Lần ấy bà đi lạc vào trong ngõ Ngọc Hà, Hà Nội, tìm mãi không thấy đường ra, trời lại đổ mưa nên bà đành ghé vào một quán hàng nhỏ trong ngõ. Lần đầu tiên trong đời bà nhìn thấy có người cầm quả trứng vịt đập vỡ vỏ cứng để rồi trong chiếc bát nhỏ cầm trên tay hiện ra hình hài một con vịt chưa đủ lông đủ cánh, ăn ngon lành. Bà không tưởng tượng được rằng đó là món ăn bình dân, khoái khẩu của nhiều người Việt Nam. 

Có thể hiểu được phần nào điều mà nhiều người phương Tây “kinh hãi” khi thấy người Việt Nam ăn trứng vịt lộn. Phải chăng điều đó xuất phát từ quan điểm của nhiều người về bảo vệ động vật và sự sống trên trái đất. Những người ấy cho rằng ăn một quả trứng vịt lộn là đã giết chết một con vịt, giết chết một cá thể sống “từ trong trứng nước” mà lẽ ra con người cần bảo vệ. Chả thế mà có chuyện thật như đùa mà báo chí nước ngoài từng đưa tin. Trong một cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ Obama, một con ruồi đậu vào tay của Tổng thống. Tổng thống xua mãi mà con ruồi không bay đi, bèn dùng tay đập một cái. Lập tức có một khán giả người Mỹ xem chương trình họp báo này qua truyền hình đã làm đơn kiện Tổng thống ra Toà vì tội “xâm hại đến sự sống của sinh vật”! Bảo vệ sinh vật đến mức cực đoan như thế thì có lẽ chỉ ở nước Mỹ mới có!

Còn tôi, chẳng bao giờ có ý định xếp món ăn của nước nào vào cái gọi là sự “ghê sợ” cả. Bởi vì món ốc sên mà người Pháp và rất nhiều người phương Tây khoái khẩu thì đối với tôi lại là món không bao giờ dám đụng tới. Nhưng tuyệt nhiên tôi không bao giờ dám kỳ thị bất kỳ món ăn của nước nào, dù đó là món ăn mà mình không thích.

Tản mạn ít dòng về…trứng vịt lộn vào những ngày đầu năm 2017 này. Mong sao một quả trứng vịt lộn đừng lên tới giá 6.500 đồng, bằng đúng số tiền bán chiếc xe máy mà bà xã tôi đã gửi vào ngân hàng cách đây 33 năm! 

D.Đ.Q

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *