‘Xin các con hãy tha lỗi cho thầy’
Bùi Phú Châu
VNN – Và thầy đã xin lỗi, xin lỗi không làm thầy bé nhỏ, xấu xí đi trong mắt các em. Xin lỗi làm thầy trở nên vĩ đại, bởi thầy đã dũng cảm như những gì thầy vẫn dạy các em.
“Các con ạ? Hôm nay là buổi họp mặt cuối cùng của chúng ta. Chúng ta đã sống chung với nhau một năm trời và bây giờ chúng ta chia tay nhau như những người bạn tốt, có phải thế không? Thầy rất lấy làm tiếc là phải xa các con. Các con ạ, nếu đôi khi thầy không kiên nhẫn được mà nóng nảy, nếu đôi khi thầy nghiêm khắc quá, mà thầy không hay, thì các con tha lỗi cho thầy, và thương thầy.”
Đó là những lời cuối cùng mà thầy Pecponi trong cuốn Những tâm hồn cao thượng nói với những học sinh 11 tuổi của mình khi chia tay. Người thầy nói lời xin lỗi đó không có gia đình, thầy treo những tấm ảnh học sinh của thầy ở đầu giường suốt 20 năm để tin rằng, khi sắp chết, cái nhìn cuối cùng của thầy sẽ quay về những đứa học trò.
Người thầy đó đã có khi nóng nảy, mắng học trò là đồ hèn nhát, vì trêu chọc một người bạn tật nguyền, nghèo khó hay ngỗ ngược với cha mẹ. Cũng người thầy đó đã để yên cho Coretti ngủ trong lớp vì biết em phải dậy từ sáng sớm để đi vác củi kiếm tiền, ôm em vào lòng và nói sẽ không mắng em bởi đó không phải là giấc ngủ của người lười biếng.
Người thầy dường như luôn luôn u uất đó cũng đã có lần giả vờ ngã để đùa vui cho những học sinh bé nhỏ của mình, đền bù lại cho những tháng ngày căng thẳng, nhận hết ưu phiền và bao dung đến tận cùng với những tâm hồn thơ ngây.
Suốt cả câu chuyện dài là nhiều lần những đứa học sinh xin lỗi thầy bởi những sai sót, ngỗ ngược. Nhưng đến cuối cùng, hơn tất cả, thầy cũng là một con người, có lúc nóng giận, có lúc sai lầm. Và thầy đã xin lỗi, xin lỗi không làm thầy bé nhỏ, xấu xí đi trong mắt các em. Xin lỗi làm thầy trở nên vĩ đại, bởi thầy đã dũng cảm như những gì thầy vẫn dạy các em. Thầy xin lỗi bởi thầy yêu thương các em đến nhường nào.
Và còn đâu đó trong câu chuyện, hình ảnh một cô giáo dù bệnh tật không bỏ học trò, trước khi chết chỉ xin đừng cho các em đi đám tang vì sợ các em khóc. Hay một thầy hiệu trưởng già, quyết định xin nghỉ việc về với căn nhà tồi tàn mà thầy xem là phần thưởng suốt 60 năm đi dạy, sau khi vô tình để dây một giọt mực ra vở của học sinh.
Những người thầy như thế, họ không cần rao giảng đạo đức, chính cuộc đời và tâm hồn cao thượng của họ đã lan tỏa đến từng học trò. Sẽ có người cho rằng dường như đôi khi nhà văn Edmondo De Amicis quá mơ mộng hay lý tưởng về vai trò của người thầy. Nhưng rõ ràng ông đã đúng, đạo đức của xã hội được hình thành trong nhà trường và đạo đức của nhà trường được tạo nên từ đạo đức của những người thầy. Hay diễn đạt ngược lại, với con trẻ, một cách tự nhiên, người thầy chuẩn mực đạo đức đầu tiên mà chúng biết đến, và khi chúng thấy đến cả thầy mà không còn đạo đức thì chả có lý gì mình phải hành động có đạo đức cả.
Tháng hai bắt đầu bằng những câu chuyện buồn về giáo dục, buồn trước hết vì những tai nạn mà hai em học sinh phải gánh chịu từ sự bất cẩn của thầy cô. Nhưng có lẽ, điều thật sự đau đớn là dù đúng sai còn phải bàn nhiều, đâu đó là hình ảnh xấu xí của những người thầy không-dũng-cảm. Và xa hơn, ngay cả nhà trường mà không còn đạo đức thì xã hội này nhìn vào đâu và các em học sinh sẽ nhìn vào đâu?
Và có lẽ để kết thúc, xin được trích một đoạn trong Những tâm hồn cao thượng, cũng là một bức thư của người bố nói về người thầy nhưng không phải là thư kêu cứu, một chút hi vọng đẹp đẽ cho hình ảnh người thầy luôn luôn đáng kính trọng trong tâm hồn mỗi học sinh:
“Giá con biết được bao nhiêu lần thầy giáo tuy đau ốm mà vẫn lên lớp, vì bệnh của thầy chưa thật trầm trọng để thầy có thể nghỉ dạy? Thầy bực mình bởi vì thầy đau, với nỗi đau lòng lớn đối với thầy là thấy học trò biết như vậy mà cứ nghịch ngợm. Hãy kính trọng và yêu mến thầy giáo của con, con ạ.
Con phải yêu mến thầy, bởi vì bố yêu mến thầy và kính trọng thầy; con phải yêu mến thầy vì thầy đã hiến cả cuộc đời cho hạnh phúc của biết bao trẻ em mà họ thì sẽ quên thầy. Hãy yêu mến thầy vì thầy mở mang và soi sáng trí thông minh cho con, và nâng cao tâm hồn của con lên…
Con hãy yêu mến thầy giáo như một người bố, yêu mến thầy khi thầy vuốt ve con, và cả những lúc thầy rầy la con; khi thầy công bằng và cả khi con cho rằng thầy không công bằng; hãy yêu mến thầy khi thầy vui, và càng yêu mến hơn khi thầy buồn; và con hãy nói đến tiếng “thầy” với tấm lòng luôn luôn tôn kính, bởi vì, sau tiếng “bố” thì đó là danh vị cao quý nhất, dịu dàng nhất mà một con người có thể tặng cho một con người khác”.
Tin cùng chuyên mục:
Bắt Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Tỉnh Bắc Kạn: Cảnh báo về sự tha hóa trong hàng ngũ bảo vệ pháp luật
Về bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của Tô Hà
Trò hề của nhóm cờ ba sọc: Buôn hận thù bán ảo tưởng
Hà Nội rực rõ ngày hội văn hóa vì Hòa bình