Giảng viên Học viện Chính trị có thể được dự khán kỳ họp Quốc hội
VOV.VN – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập vấn đề này trong buổi nói chuyện với cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Sáng nay (24/2), tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi thăm và nói chuyện chuyên đề về Hiến pháp 2013 và những điểm mới trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với các giảng viên, học viên. Buổi nói chuyện nhằm cung cấp, làm phong phú các chương trình giảng dạy của các giảng viên Học viên.
Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để nói chuyện chuyên đề với các cán bộ quản lý, giảng viên. Chủ tịch Quốc hội cũng là học viên đầu tiên của Học viện khóa cử nhân chính trị đầu tiên của Nam Bộ năm 1992.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi nói chuyện chuyên đề về Hiến pháp 2013.
Tại buổi nói chuyện, Chủ tịch Quốc hội đã trao đổi những nét tổng quan nhất về Hiến pháp 2013 và xây dựng nhà nước pháp quyền trong Hiến pháp 2013, những định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền đã được hiến định.
“Đây là chủ đề quan trọng trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đặc biệt là trong bối cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa qua đã xác định, phải tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và định hướng phát triển của nhà nước; tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, phương hướng cơ bản để tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Hiến pháp năm 2013 là tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa; tiếp tục nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Trong đó, với vai trò nhiệm vụ của mình, Quốc hội sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện và ban hành mới các đạo luật để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chú trọng hoàn thiện pháp luật về môi trường đáp ứng các yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; chú trọng hoàn thiện pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.
Để nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, Học viện sẽ có những liên kết với Quốc hội thông qua chương trình cụ thể.
Theo đó, mỗi kỳ họp của Quốc hội sẽ có một số cán bộ giảng dạy tùy theo nhu cầu, nhiệm vụ từng người đến dự khán tại các kỳ họp của Quốc hội. Đặc biệt là các buổi thảo luận tại nghị trường về các vấn đề kinh tế, xã hội.
Như vậy, ngoài nghiên cứu lý luận thì những ý kiến tranh luận của các đại biểu Quốc hội tại nghị trường sẽ bổ sung phần thực tiễn cho cán bộ giảng dạy của Học viện./.
Lê Tuyết/VOV
Tin cùng chuyên mục:
Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên: Cần cân nhắc kỹ
Phê phán quan điểm sai lầm của Phạm Xuân Nguyên về Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10
Hà Nội: 70 năm giải phóng – Một chặng đường vinh quang
Vì sao hàng loạt lính đánh thuê nước ngoài ở Ukraine đồng loạt bỏ trốn?