NHẮN GỬI PHAN ANH

Người xem: 125

Nhắn gửi Phan Anh!

Hoang Huong 

Sáng nay đang ngồi cà phê chờ đi làm thì mình vô tình gặp một người quen. Một người đàn ông lớn tuổi và có rất nhiều năm làm công tác từ thiện, cứu trợ. Anh nói chân thành: Hường ở ngoài HN, nếu là bạn hoặc quen biết Phan Anh, hãy chuyển giúp anh mấy lời khuyên vì “anh thật sự lo lắng cho cậu ấy, làm từ thiện/cứu trợ không đơn giản, nhất là với số tiền lớn như vậy. Cậu ấy có thể vướng vào lao lý dễ như bỡn”.

Tôi không quen Phan Anh ngoài đời, và thấy rằng những chia sẻ này cần thiết cho tất cả mọi người chứ không riêng Phan Anh nên viết ra đây để ko ai vì làm việc tốt mà gặp tai vạ. Mọi người tag Phan Anh giùm.

– 16 tỷ (đến thời điểm chiều 19/10) đã được chuyển vào tài khoản PA. Tuy nhiên tiền lớn vấn đề lớn. Như anh “kinh nghiệm” nói, để giải ngân được 10 tỷ, PA cần bỏ ra đến 1 tỷ (tiền túi) cho việc chi phí (đi lại, xe cộ, huy động một hệ thống hỗ trợ… ) và vô số phát sinh không thể tính đếm được. Số tiền chi phí này không thể “cấu” từ số 10 tỷ kia. 

(Tôi cãi: tại sao ko? Nếu PA minh bạch và có đủ chứng từ chi phí). Anh kia nói rằng, công tác kiểm toán ko tính thế. Trong tất cả những khoản chuyển cho PA hẳn đều ghi chú: ỦNG HỘ ĐỒNG BÀO MIỀN TRUNG, chứ không ai ghi ỦNG HỘ CHI PHÍ ĐI HỖ TRỢ ĐỒNG BÀO MIỀN TRUNG. Bình thường ko sao, nhưng nếu ai muốn “diệt” PA thì đây là lỗ hổng để gây khó dễ, thậm chí khởi tố anh. Ví dụ anh A muốn cho chị B 100T, thì chị B phải được nhận đủ 100T, còn để chuyển được số tiền đó cần vé máy bay, ô tô, xe ôm, điện thoại… là việc của người làm từ thiện.

– Việc PA hứa hẹn và người dân đòi hỏi PA đưa trực tiếp đến từng người dân, không làm việc với các tổ chức/chính quyền địa phương là bất khả thi và có thể khiến PA nguy hiểm. Thứ nhất, sức cậu ấy và nhóm hỗ trợ có hạn, không thể đi rải cả nghìn phần quà/phong bì rộng rãi. Hơn nữa, khi PA phát đi 1000 suất quà, cậu ấy có thu thập đủ 1000 chữ ký của người dân không (có đủ chữ ký, số CMT, địa chỉ) Nếu cậu ấy và các bạn chỉ làm theo tình cảm, ào ào rút tiền, ào ào mua quà, gọi loa bảo người dân xếp hàng rồi phát; thì khi bị kiểm toán số tiền/quà đã phát có thể lên cả tỷ đồng mà ko thể giải trình.

Thứ hai, nếu không hợp tác với địa phương, PA khó có thể làm tốt việc của mình, và sẽ gặp rắc rối về sau. Để chứng minh PA đã đến địa phương phát 500 phần tiền/quà = 1Tx500 = 500 triệu, PA vẫn cần danh sách do địa phương đưa ra, và địa phương xác nhận bằng văn bản. Rủi ro ở đây là yếu tố con người, nếu cậu ấy phớt lờ chính quyền địa phương, ào ào phát quà rồi bỏ đi, thì khi cậu ấy cần chứng từ thì ko cán bộ địa phương nào “thèm” chứng nhận; và rủi không lấy chữ ký hoặc để mất chữ ký của 500 người nhận quà thì team PA sẽ giải trình kiểm toán thế nào. (Lời khuyên của Hường: trả tiền thuê cán bộ địa phương đàng hoàng. Họ lên danh sách, thuê phương tiện, tổ chức tập trung dân cho mình. 1 ngày họ hỗ trợ mình làm là bao nhiêu và ký tá cẩn thận. Nếu sợ cán bộ làm sai đưa toàn người nhà nọ kia, thì sau đó đăng danh sách công khai).

– Rủi ro tiếp là khi PA đuối sức trong việc giải ngân, anh sẽ phải chuyển giao số tiền này cho một tổ chức nào đó thì uy tín PA sẽ bị ảnh hưởng. Người gửi tin tưởng và giao cho cá nhân PA chứ ko phải tổ chức nào, đặc biệt khi tổ chức đó làm ăn lèm nhèm thì PA sẽ liên đới trách nhiệm.

Lời khuyên của anh “kinh nghiệm”:

– PA nên đề nghị Vietcombank hỗ trợ (chi tiết này gây nhiều hiểu lầm, mình bổ sung stt cho rõ hơn: Bạn mình ko làm VCB, nguyên văn anh ta nói là “nếu không thì nhờ cái ngân hàng mà cậu ấy mở tài khoản hỗ trợ”. Mình phiên ra là VCB vì PA mở tk ở đó. Vậy nếu ai là “cò mồi” cho VCB thì người đó là mình). VCB có thể cho cán bộ xuống các địa bàn cùng khảo sát và phân chia. Hộ nào có người mất, tài sản thiệt hại nhiều, trẻ mồ côi, neo đơn… nên lập sổ tiết kiệm mỗi nhà vài triệu, thay vì việc giải tiền/quà đồng đều tràn lan và “một cục” sẽ ko bền, vì thực tế ko phải gia đình nào cũng khó khăn. Việc này vừa không mất chi phí tổ chức tốn kém và vất vả, vừa giúp dân bền vững. Đây nên là mô hình cần các nhà từ thiện chú trọng, vì không thể ào ào mang mỳ tôm/tiền bạc cho những gia đình/địa phương dễ tiếp cận, và bỏ rơi những gia đình/địa phương khác.

– Cần phối hợp với các dự án như Nhà chống lũ, Nước sạch nông thôn hay Y tế cộng đồng… và chuyển tiền cho họ. Đây là cách cứu trợ và phát triển bền vững và văn minh nhất, cần ưu tiên.

– Hoặc PA cũng có thể mời một công ty xây dựng đến đánh giá tình hình và đặt gói thầu xây dựng cho những nhà bị sập, lốc cuốn và gia đình đặc biệt khó khăn với gói thầu minh bạch, được cộng đồng giám sát.

Tạm thế đã, nhờ những người có chuyên môn về luật và tài chính, kế toán góp ý/bổ sung thêm. Mình sẽ tổng hợp lại và viết tiếp, coi như đây cũng là dịp để cộng đồng hiểu biết hơn về công tác tài chính và cứu trợ/phát triển. Mình chỉ ghi chép, có gì chưa chính xác mọi người điều chỉnh giúp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *